Cuối năm bình an là đủ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Nhìn về cuối năm, nếu không tiết kiệm được nhiều tiền, chúng tôi có thể giảm bớt "cái sĩ diện", ăn tết một cách đơn giản hơn. Bởi quan trọng nhất là gia đình vẫn còn có nhau.

Cuối năm bình an là đủ - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Nhìn về cuối năm, nếu không tiết kiệm được nhiều tiền, chúng tôi có thể giảm bớt "cái sĩ diện", ăn tết một cách đơn giản hơn. Bởi quan trọng nhất là gia đình vẫn còn có nhau.

Điện thoại hiện lên mấy tin nhắn mà tôi chẳng dám mở ra đọc. Bởi tôi biết đó là tin nhắn của thầy cô thông báo học phí trong nhóm lớp. Tôi vờ như chưa đọc, chưa biết, vừa rối bời nghĩ cách xoay xở, vay tạm đâu đó cho đủ những khoản tiền cần đóng. Mấy tháng nay tôi lúc nào cũng ở hạn chót hoặc phải chờ đến khi có người gọi điện nhắc trực tiếp mới đóng được.

Nếu là chuyện ăn uống, gia đình có thể cầm cự ăn mì gói, rau cơm cho qua bữa. Nhưng chuyện tiền học của con thì không thể, cả năm chẳng bớt đi được đồng nào. Suốt 1 năm nay, tôi đã chủ động cắt bớt những khoản liên quan đến học kỹ năng, dã ngoại, vui chơi ấy thế mà vẫn không đủ.

Cuối năm, không khí gia đình tôi lúc nào cũng căng thẳng vì chuyện tiền nong. Vợ chồng đi làm quanh năm nhưng chẳng dành dụm được đồng nào. Vì muốn tìm một nơi ổn định, tôi vừa chuyển việc và chấp nhận làm 3 tháng không lương cứng. Công việc của chồng tôi liên quan đến dự án, phải đợi cuối năm mới tất toán được.

Những khoản chi tiêu cứng cứ gối đầu nhau đến như tiền học phí cho con, tiền điện nước, phí dịch vụ,… Thu nhập của vợ chồng tôi tính cả năm cũng thuộc dạng trung bình so với bạn bè cùng trang lứa chứ không phải là thấp, thế nhưng vẫn không đủ chi tiêu. Vợ chồng làm được bao nhiêu lại tiêu sạch bấy nhiêu vào các khoản chi phí cơ bản. Tháng nào cũng thiếu hụt chứ nói gì đến việc tích lũy.

Chồng về muộn, mình tôi xoay xở với con cái, cơm nước mệt lả người. Vừa thấy anh đến cửa, tôi như phát điên, bao nhiêu bực tức tích tụ cứ thế tuôn ra: “Anh làm gì mà giờ này mới về?”. Chồng tôi đi làm về mệt, không được vợ cảm thông cũng ức chế quát lại: “Làm việc chứ làm gì?”. Cứ thế gia đình nhìn đâu cũng thấy khuyết điểm của nhau…

Vợ chồng tôi chưa bao giờ đổ lỗi rằng vì sinh liên tục 4 đứa con nên gia đình mới rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nhưng chúng tôi cũng không thể phủ nhận rằng việc phải chi cho các chi phí nhân lên 4 lần như thế là một khoản rất lớn. Không ít lần tôi phải rơi nước mắt, cảm thấy bế tắc, bất lực vì chuyện tiền bạc.

Nhưng rồi, sau rất nhiều đêm vợ chồng nằm nói chuyện tiền nong, tôi hỏi chồng: “Này anh, những năm trước mình cũng thế này à? Làm sao có thể vượt qua được nhỉ?”. Chồng tôi quay sang, nhẹ giọng bảo: “Ừ thì… cứ qua giai đoạn này rồi lại đến giai đoạn khác, đành phải cố gắng thôi chứ biết sao”.

Trước tiếng thở dài của tôi, chồng nói thêm: “Nhưng ít nhất là gia đình mình còn có nhau, còn có mái ấm để cùng vun vén”.

Nghe chồng nói xong tôi bắt đầu tỉnh táo và bình tĩnh hơn để phân tích. Công việc của tôi đã qua giai đoạn thử việc và bắt đầu sẽ nhận lương từ tháng sau. Dù ít thôi nhưng cũng sẽ giảm được phần nào gánh nặng kinh tế. Cha mẹ hai bên vẫn đang khỏe mạnh. Vợ chồng dù cãi cọ nhưng đêm đến vẫn kề cạnh, tâm sự, an ủi lẫn nhau. Những đứa con vẫn ngoan ngoãn, đáng yêu, nỗ lực học hành. Và tôi, giữa những bận rộn bộn bề của cuộc sống, vẫn có thể dậy sớm đọc vài trang sách, tối trước khi đi ngủ cũng pha được một ấm trà để ngồi nhâm nhi…

Nhìn về cuối năm, nếu không tiết kiệm được nhiều tiền, chúng tôi có thể giảm bớt "cái sĩ diện", ăn tết một cách đơn giản hơn. Bởi quan trọng nhất là gia đình vẫn còn có nhau, được sum vầy hạnh phúc. Cuộc sống giống như một chiếc xe đạp mà mình luôn phải đạp để giữ cho xe thăng bằng. Và tôi vẫn thấy mình may mắn vì nếu vợ hay chồng mỏi mệt thì còn có người khác thay thế để mình được nghỉ ngơi đôi lúc…

Xem thêm: Thông gia “đại chiến” vì cỗ cưới – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm