Ngày xưa ông bà nội tôi nghèo lắm, chỉ sinh được 2 người con trai là ba tôi tên Tuấn và chú Tú. Ông nội bảo đặt tên như vậy là mong hai đứa con trai được tuấn tú, khôi ngô và giỏi giang.
Lúc ba tôi 15 tuổi, chú Tú 12 thì bà nội qua đời vì bạo bệnh. Một mình ông ở vậy, làm thuê cuốc mướn nuôi hai con khôn lớn. Nhiều người thương mai mối cho ông người này người nọ. Nhưng ông nội không chịu, sợ người ta không thương con mình.
Ba tôi học hết cấp 3 thì quyết định không thi đại học mà đi học nghề sửa xe máy để phụ ông nội nuôi chú Tú học lên, bởi chú học rất giỏi, lại thông minh, nhanh nhẹn. Đúng như kỳ vọng của ba với ông nội, chú Tú đã đậu đại học ngành xây dựng.
“Nghề đó sau này có tiềm năng lớn lắm đấy”, ông nội vui vẻ nói.
Ông nội thương ba tôi vất vả nên mọi chuyện nhỏ to trong nhà ông đều cáng đáng, đỡ đần cho ba, để ba yên tâm lo cho tiệm sửa xe. Ba làm có tâm nên tiệm mỗi ngày một đông khách, kinh tế gia đình cũng dần ổn định.
Lúc chú Tú ra trường, có công việc ổn định ở thành phố thì ba và mẹ cưới nhau. Được 1 năm sau, thằng cháu đích tôn là tôi ra đời. Ông nội với chú Tú mừng lắm. 4 năm sau đó, mẹ tôi tiếp tục sinh thêm một em gái nữa, thế là nhà đủ nếp đủ tẻ. Ông nội thương em gái hơn cả tôi, ông có hai đứa con trai nên mê cháu gái lắm.
Rồi cũng đến lượt chú Tú có người yêu, cô ấy là người thành phố nên biết chải chuốt, ăn mặc đúng mốt, xinh đẹp lắm. Còn mẹ tôi là người phụ nữ chân quê, mộc mạc. Ông nội hay cười hiền bảo: “Hai đứa này khác nhau một trời một vực”.
Một hôm, chú Tú đưa cô ấy về ra mắt ông nội và ba mẹ tôi, ai cũng vui mừng. Nhưng chiều ấy, ở sau vườn, ông nội lại nghe cô ấy nói với chú Tú: “Nhà gì mà chẳng có nổi cái giường ra hồn, chăn mềm thì như đống giẻ lau, anh lái xe về thành phố đi, em không ngủ nổi”. Rồi chú Tú nói gì đó với cô ấy, giọng nhỏ và có chút nghèn nghẹn. Ông nội với tôi cố lắm mới nghe được câu: “Em cũng là dân quê đấy thôi, sao lại miệt thị, chê người nhà quê bẩn thỉu. Anh nghĩ mình nên chia tay nhau thôi...”.
Ông nội nghe xong đập tay mạnh vào gốc xoài: “Giỏi, thế mới là con tao chứ lị”. Tôi giật cả mình...
Rồi cô ấy vào nhà, xách túi rời nhà tôi một cách lặng lẽ vì chú Tú thẳng thừng tuyên bố: “Em tự đi đi, không tiễn!”.
Mẹ tôi thấy vậy thì lấy xe máy chạy theo nhưng cô ấy không chịu ngồi lên cho mẹ chở. Thế là mẹ phải dắt bộ theo vì sợ cô ấy không quen đường.
Lúc mẹ về, ông nội và mọi người hỏi han thì mẹ bảo: “Cô ấy chỉ làm nũng em thôi! Nếu em còn yêu thì bỏ qua cho cô ấy một lần”.
Nhưng chú tôi lạnh mặt bảo: “Không chị ạ! Em không bao giờ tha thứ cho kiểu người như vậy. Con làm vậy đúng không ba, anh hai?”.
Ba và ông nội tôi ngồi bên gật đầu lia lại. Nhìn nụ cười tươi rói, mãn nguyện của ông nội, mẹ tôi cũng chỉ biết cười theo.
Một thời gian sau đó, chú tôi cũng tìm được cho mình một nửa thích hợp. Cô ấy biết đồng cam cộng khổ cùng chú, biết tôn trọng ông nội với ba mẹ tôi, biết lễ nghĩa phép tắc, lại dịu dàng, xinh đẹp vô cùng.
Sau này, khi tôi đã lớn hơn, hiểu chuyện hơn, ngẫm nghĩ lại tôi thấy rất khâm phục cách sống ngay thẳng của chú. Khi hai chú cháu tâm sự với nhau, chú Tú nói: “Chú chỉ lấy người biết yêu thương và trân trọng những người thân yêu của chú. Sau này cháu lấy vợ cũng nhớ nên lấy người như vậy nhé!”. Tôi gật đầu mỉm cười...
Xem thêm: Tàu lá chuối tuổi thơ – Câu chuyện nhân văn cảm động