Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đà Lạt. Sau 20 năm rời Thanh Hóa đến Đà Lạt để kiếm sống với bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không đất đai, bố mẹ Thúy vẫn nghèo.
Con nhà nghèo nên từ nhỏ Thúy đã quen với cái nghèo, cái khổ. 12 năm đi học, mỗi khi rời trường học, rời sách vở là Thúy lại cùng mẹ đi nhặt ve chai, đi mót rau ở những khu vườn đã thu hoạch hoặc rau dại mọc trên đất bỏ hoang mang ra chợ bán.
Bà Bùi Thị Liên (45 tuổi, mẹ Thúy) nghẹn ngào nói: “Nghe người ta xúi nghỉ học đi phụ làm vườn để sớm có tiền. Nó nói với tôi, con phụ mẹ kiếm tiền là được, sao phải bỏ học mẹ ha”.
Ông Nguyễn Quốc Văn (44 tuổi, bố Thúy) kể: “Nó đi nhặt ve chai quanh trường, mỗi lần nhìn thấy tôi lại xót. Nó hồn nhiên bảo gần trường có nhiều hàng quán mới có nhiều chai lọ để nhặt. Nó chưa bao giờ thấy xấu hổ vì việc này, nó nhặt đầy cả bao, kéo vào một bụi cây gần trường bỏ đó. Vợ tôi đến đón con thì đón luôn cả túi chai bao. hai mẹ con mang ra vựa bán xong mới về nhà. Ngày hôm sau đi học, nó lại mang một cái bao cước to hơn người nó đến trường”.
Thúy nghe bố kể thì cười bảo: “Làm vậy tiện mà bố. Con vừa đi học vừa kiếm tiền có gì đâu mà xấu hổ”.
Sau 12 năm nỗ lực học tập, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua Thúy đạt 25 điểm, đủ điểm để học trường chuyên ngành luật tại TP.HCM nhưng em lại chọn vào khoa luật học của Trường đại học Đà Lạt. Nữ sinh tâm sự: “Em cũng có dự định vào Sài Gòn học nhưng mẹ không còn lao động được nữa, một mình bố không thể gánh xuể bao việc được nên em chọn học gần nhà để phụ bố lo cho mẹ và các ẹm”.
Hiện tại, cô nữ sinh Đà Lạt thay vì đi mót rau hay nhặt chai bao thì đã chuyển sang công việc dạy kèm. Công việc mới này không chỉ giúp Thúy có tiền lo học phí cho hai em nhỏ mà còn vừa tiện cho việc học của em.
Bà Trương Thị Liên (P.9, Đà Lạt) hàng xóm nhà Thúy cho biết: "Từ lúc mẹ của con bé bị bệnh, nó thay mẹ chăm sóc các em. Một tay nó chăm mẹ, dạy em, rồi còn ra chợ bán rau nữa. Nhìn nó lui cui mà thương lắm. Con nhỏ đó lúc nào cũng cười, không biết cực là gì". Bà Liên cũng là người cho gia đình Thúy mượn khoảnh đất nhỏ để trồng su hào, rau dền kiếm thêm thu nhập trong hơn 1 năm qua.
Hiện tại, thông qua chương trình “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ thực hiện, Thúy đã được nhận học bỗng hỗ trợ, hy vọng rằng với sự giúp đỡ này em sẽ vững bước hơn trên con đường thực hiện ước mơ của mình.
Xem thêm: Chân dung cựu chiến binh cặm cụi trích nhặt lương lưu lập quỹ “Tình thương” hỗ trợ đồng đội