Tôi nhớ lời dạy bảo của người mẹ Thái Vũ với con trai trong “Trở lại thiên đường” của Việt Quang rằng: “Con hãy yêu thương tất cả mọi người chung quanh mình và tận tình giúp đỡ họ khi mình có thể làm được”, bởi “Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng nước của thương yêu”. Nếu không có tình yêu thương thì có lẽ thế giới của chúng ta đã “chết” cách đây cả hàng trăm triệu năm, “chết” ngay cả khi mới hình thành. Vậy mới nói rằng, sức mạnh tình người trong hoàn cảnh khó khăn đã thắp sáng và nuôi dưỡng sự sống, niềm tin và cả hạnh phúc trong lòng nhân loại. Tình người là tình cảm thân ái, cao quý mà con người dành cho nhau, được thể hiện bằng sự quan tâm, chia sẻ. Sự quan tâm, chia sẻ ấy đôi khi chỉ là một ánh mắt thấu hiểu, một cái ôm, một bờ vai cạnh bên, một bàn tay đưa ra khi con người ta đang lầm đường lạc lối. Tình người càng được khẳng định sức mạnh hơn tất thảy trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách bởi nó đem đến sự ấm áp, chữa lành những vết thương còn đang rỉ máu và tiếp thêm cho ta lòng dũng cảm, ý chí nghị lực để vươn lên những khó khăn, thử thách ấy. Tình người còn giúp chúng ta gần nhau hơn, cùng nhau chung sống và gắn bó trong gia đình lớn có tên “cộng đồng”.
Và vượt lên tất cả nhiễu nhương, xáo động, tình người giúp chúng ta hướng đến điều thiện, để tâm hồn ta được nhẹ nhàng, an yên. Chắc hẳn mọi người chưa quên người hùng Nguyễn Ngọc Mạnh giải cứu bé gái ba tuổi bị rơi từ tầng 12 chung cư, khi nghe anh chia sẻ tôi vô cùng xúc động bởi câu nói “Tình thế khiến tôi thấy mình phải làm thế" và "ai trong hoàn cảnh tôi chắc cũng làm thế". Đúng như anh nói, sức mạnh tình người sẽ ngời sáng nhất trong hoàn cảnh éo le nhất. Và như một truyền thống từ xưa, con người Việt Nam luôn sẻ chia yêu thương, mở rộng vòng tay giúp đỡ khi đồng bào gặp khó khăn như đợt bão lũ miền Trung vừa qua đi. Xét cho cùng, con người sinh ra là để yêu thương lẫn nhau, chính vì thế bản thân mỗi chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng cộng đồng nhân văn và tiến bộ. Bạn đừng ngại cho đi tình thương mà hãy lan tỏa hơi ấm của tình thương ấy đến mọi ngõ ngách của đời sống, bởi sau cùng bạn sẽ được nhận lại hàng vạn điều tốt đẹp trên đời.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: Không thể tồn tại mà không có đam mê