Nạn đói năm Ất Dậu (1945) là một cơn ác mộng, là nỗi nhức nhối khó quên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thảm họa ấy diễn ra trên 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhà văn Kim Lân đã chọn bối cảnh ấy cho truyện ngắn Vợ nhặt.
1. Trên nền hiện thực của nạn đói, bằng việc xây dựng nên một tình huống truyện độc đáo, đi sâu miêu tả diễn biến tâm lí phức tạp của các nhân vật và sáng tạo những chi tiết, hình ảnh đặc sắc, nhà văn chuyên viết truyện ngắn này đã để lại trong lòng người đọc những ám ảnh nghệ thuật khó quên. Câu chuyện xoay quanh cuộc đối mặt giữa sự sống và cái chết của những người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm ấy.
Không gian của truyện là xóm ngụ cư, bên bờ sông ven chợ xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn lửa. Điểm vào đó là âm thanh thê thiết của tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ đang gào lên từng hồi, là tiếng ai hờ khóc lúc to, lúc nhỏ vẳng đến từ phía những nhà có người chết đói. Không khí ở đây vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Quyện trong đó còn có mùi khét lẹt của đống rấm được đốt ở những nhà có người chết.
Bằng sự kết hợp của các yếu tố hình ảnh, âm thanh và mùi vị, nhà văn Kim Lân đã tạo ra ấn tượng về không gian truyện đặc trưng, mang màu tử khí. Rồi như một cận cảnh, ống kính của nhà văn dừng lại ở một bữa ăn ngày đói thật thảm hại.
Ở đó, miếng ăn dường như đã không phải dành cho con người nữa. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo. Niêu cháo lõng bõng, chỉ kịp chia cho mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn. Người mẹ già lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút, bà gọi đó là món chè khoán. Cái món ngon đáo để ấy thực chất là cháo cám, thứ mà con người khi đói nhìn thấy hai con mắt đã tối lại, khi ăn thì không nuốt nổi vì đắng chát và nghẹn bứ trong cổ.
Cái đói và cái chết nắm tay nhau càn qua xóm ngụ cư. Người người lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường.
Cái đói có sức mạnh tàn phá ghê gớm cả về hình hài đến phẩm giá con người. Mọi khuôn mặt ở xóm ngụ cư đều đã mang dấu tích của cái đói. Lũ trẻ con trong xóm độ này ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích. Ngay như Tràng - một thanh niên to khỏe trong xóm, giờ cũng chỉ bước đi từng bước mệt mỏi. Khật khưỡng trong bóng chiều nhá nhem là dáng điệu tả tơi của hắn - chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước.
Dấu vết tàn phá ghê gớm nhất của cái đói với con người vẫn là ở thị, người vợ mà Tràng nhặt được trong thảm cảnh của cái đói. Người phụ nữ này không có tên. Nhà văn gọi nhân vật là người đàn bà, là thị. Có lẽ số phận, những mảnh đời như thị không phải là hiếm trong nạn đói ấy. Thị mang một bộ dạng rách rưới, áo quần tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Có lẽ đã đói lâu ngày, nên vì miếng ăn, thị trở nên sấn sổ, trơ trẽn.
Chỉ bằng một câu hò tầm phơ tầm phào của Tràng - nhưng là câu hò có lời hứa về miếng ăn, Muốn ăn cơm trắng mấy giò này! Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!, thị vùng đứng dậy ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng, rồi liếc mắt cười tít. Nhưng lần đó thị không được ăn. Lần thứ hai gặp Tràng, thị ở đâu sầm sập chạy đến, đứng trước mặt Tràng sưng sỉa kết tội: - Điêu! Người thế mà điêu!; - Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt. Và lần này, thị được ăn thật. Trước miếng ăn hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả: - Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì. Thị ngồi sà xuống, cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở: - Hà, ngon!
Có ai biết chăng, con người đang sà vào kiếm miếng ăn ấy vốn là một người đàn bà hiền hậu, đúng mực. Sự đói khát đã hủy hoại nhân cách của thị, buộc thị phải vứt bỏ ý thức, phép tắc, sĩ diện, xấu hổ. Miếng ăn làm cho con người ta trở nên chao chát, chỏng lỏn; cái đói làm cho con người không còn biết đến thể diện; sự gào thét của cái bụng rỗng khiến con người trở nên trơ trẽn làm sao! Thái độ và hành động của thị trước miếng ăn làm ta xót xa đến rơi nước mắt. Nhưng trong cái điêu tàn và rữa nát, trong sự bủa vây của cái chết, sự sống vẫn không ngừng trỗi dậy, vươn lên. Từ thoi thóp, leo lét, có lúc nó mãnh liệt như có phép màu.
2. Ở thời điểm khủng khiếp nhất của nạn đói, khi xóm ngụ cư đang bị bao trùm bởi tử khí lạnh lẽo, khi sự sống đang phải đối đầu khốc liệt với cái chết thì vào một buổi chiều, người trong xóm thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Sự xuất hiện của thị đã làm mọi thứ thay đổi đột ngột, lạ lùng, thắp lên cái sáng tươi trên cái phông âm u, rùng rợn của cái đói, cái chết; thắp lên ước mơ thay đổi số phận cho bao kiếp người leo lắt nơi xóm chợ chiều này. Chỉ là cô vợ nhặt, nhưng thị thực sự là một hào quang, một luồng khí ấm, tiêu biểu cho sự sống trường cửu, mãnh liệt và màu nhiệm (Nguyễn Thị Thanh Cảnh).
Vợ nhặt có thể xem là một kết hợp từ rất đặc biệt chỉ có ở trong bối cảnh nạn đói kinh hoàng năm 1945. Cái đói đã đẩy đến những cảnh bi hài kịch, mạng người trở nên rẻ rúng, có thể nhặt được như người ta nhặt bất cứ thứ đồ vật gì. Nhặt thì không ra gì nhưng vợ thì vinh dự. Chính từ tư cách người vợ ấy, thị đã dần lột xác. Và nàng dâu ấy đến xóm ngụ cư mang theo một luồng gió mới, một ánh nắng mới, thắp lên sự ấm áp, niềm hi vọng và niềm tin vào ngày mai.
Giữa đám đông mấy chị con gái ngồi vêu ra ở cửa nhà kho, thị còn mang vẻ cong cớn, chẳng chút e dè, nhưng chỉ sau khi đồng ý khuân hàng lên xe rồi cùng về với Tràng, thị đã khác. Trên đường theo Tràng về, theo sau chừng ba bốn bước, thị đã có vẻ rón rén, e thẹn. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Che để bớt thẹn thùng, hay che để dõi theo mỗi bước chân số phận?
Sự xuất hiện của người đàn bà đi bên cạnh Tràng vào buổi chiều ấy đã xua đi vẻ mặt ủ rũ, xanh xám của những người dân xóm ngụ cư đang trong cái cảnh tối sầm lại vì đói khát. Trên khuôn mặt mỏi mệt, đăm chiêu của Tràng giờ đã có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem, có đứa còn cong cổ gào lên: - Anh Tràng ơi! Chông vợ hài. Người trong xóm cũng lạ lắm - Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Những khuôm mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Thị về xóm ngụ cư mang theo cái lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối nơi đây.
Về đến nhà, bước chân vào ngôi nhà vắng teo, đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại, thị đang cố nén một tiếng thở dài. Chất chứa trong cái ngực lép nhô lên ấy biết bao tủi hổ, buồn bã, bẽ bàng… Ở đây, thị cũng chỉ giám ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần. Thị đang ý thức rất rõ về tình cảnh của mình. Cái thế ngồi rụt rè, chông chênh ấy chính là cái thế phân vân trong lòng thị: chuyện thành vợ Tràng vừa thực lại vừa như không thực; thân phận lủi thủi, trơ trọi trôi dạt vì miếng ăn, liệu có tìm được chốn nương thân?...
Thế rồi, thị gặp mẹ Tràng - người sẽ quyết định duyên phận cho thị trong ngôi nhà này. Người mẹ nghèo đã rất ngạc nhiên và không tin vào mắt mình khi thấy sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình. Bao nhiêu câu hỏi dội về đầy băn khoăn - Quái sao có người đàn bà nào ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại gọi mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?... Ô hay, thế là thế nào nhỉ?
Thế rồi, Tràng bước lại gần nói với mẹ: - Nhà tôi nó về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số cả… Giờ thì bà lão đã hiểu. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Bà lão đăm đăm nhìn người đàn bà, trong lòng cũng đầy thương xót. Trước mặt bà lão, thị cúi mặt, tay vân vê tà áo đã rách bợt, và khép nép đứng nguyên chỗ cũ.
Rồi, thị cũng đã được chấp nhận. Bà cụ Tứ đã xem thị là nàng dâu mới. Bà nhẹ nhàng với thị: - Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng… Bà còn hạ thấp giọng xuống thân mật: - Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…
3. Sau một đêm thị về làm vợ của Tràng, sau một đêm làm dâu nhà bà cụ Tứ, ngôi nhà ấy như có phép màu. Ngôi nhà rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi có dại, nay đã được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy chiếc áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà nay đã được lấy ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch. Ngoài vườn, người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở, trong sân, cô con dâu đang quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Tất cả đều đã thay đổi mới mẻ.
Xung quanh thay đổi, cảm xúc của con người cũng khác. Thấm thía cảm động nhất vẫn là Tràng. Hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bấy giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
Trong mắt Tràng, giờ đây thị cũng đã khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực. Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà cụ kể chuyện làm ăn gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này, chuyện Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà… Ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem… Một không khí ấm áp chan hòa trong ngôi nhà ấy, chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế.
Tình yêu thương chính là ngọn nguồn làm nên sự đầm ấm, hạnh phúc, dù đó chỉ là những điều thật đơn giản, bình thường. Hạnh phúc làm cho con người ta thay đổi. Hạnh phúc làm cho con người ta xích lại gần nhau, sưởi ấm cho nhau. Tư tưởng nhân đạo của Kim Lân được truyền đến người đọc một cách nhẹ nhàng mà thấm thía.
Dẫu vẫn còn đó, những bữa ăn ngày đói thảm hại, dẫu cho trống thúc thuế vẫn dội lên dồn dập, vội vã ở ngoài đình, trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ đàn quạ vẫn hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đãm mây đen, nhưng câu chuyện về cái đói đã chuyển hướng khác. Theo lời của cô con dâu, - Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy. Tràng đã biết đến Việt Minh. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm. Lá cờ đỏ đó vẫn bay phấp phới trong óc Tràng...
Hình ảnh kết thúc truyện đã gieo vào lòng người đọc một niềm tin mãnh liệt, rằng Tràng và gia đình bé nhỏ của anh, rằng hàng triệu những con người khốn khổ sẽ có lá cờ đỏ dẫn đường đi giành áo cơm và sự sống cho mình. Đây chính là điểm khác biệt giữa Vợ nhặt với các tác phẩm cùng viết về đề tài người nông dân trong văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945.
4. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, hành trình giành giật sự sống từ cái đói, cái chết của những người nông dân nghèo trong nạn đói 1945 đã được nhà văn Kim Lân dồn nén đến mức căng thẳng, đến tận cùng của giới hạn ở tình huống truyện độc đáo. Tình huống trở trêu, éo le từ việc Tràng nhặt vợ được tạo ra trong hoàn cảnh đối đầu khốc liệt giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa hi vọng và tuyệt vọng, giữa cái ấm áp của tình người và cái lạnh lẽo thê lương của chết chóc…
Đặt nhân vật vào tình huống ấy để thử thách sức sống của con người, nhà văn muốn thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc trong việc ngợi ca, trân trọng và đặt niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Bằng giọng kể trầm buồn, Kim Lân đi sâu vào diễn biến nội tâm rất phức tạp và tinh tế của mỗi nhân vật, nhận ra cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt giữa sự sống và cái chết, giữa vị kỉ và vị tha, giữa thực tại và ước mơ… trong những hoàn cảnh thử thách nghiệt ngã, phát hiện ra thứ ánh sáng lấp lánh, sáng lên trong mỗi con người, mỗi số phận, đó chính là tình người. Tình người sẽ xua tan u ám, thắp lên niềm vui, niềm hi vọng để con người vượt qua khó khăn, sống tốt cho ngày mai.
Sức sống của một tác phẩm văn học phải được nẩy mầm từ cội rễ của những giá trị nhân văn sâu sắc, và nở hoa cùng tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Vợ nhặt của Kim Lân là tác phẩm như thế.
Xem thêm: