17 tuổi - tuổi của ước mơ, của hoài bão, của những khát vọng lớn. Nhưng liệu có ai bước vào tuổi 17 cũng đã tìm được ước mơ cho chính mình hay chưa? Câu trả lời chắc chắn là chưa, có lẽ vì thế mà chúng ta vẫn thường hỏi nhau rằng: “Ước mơ làm thế nào để tìm ra”. Ước mơ là những điều tốt đẹp mà mỗi người chúng ta khát vọng, mong muốn đạt được. Ước mơ cũng có thể là những điều hình tượng hoặc trừu tượng. Khi bản thân thiếu thốn một điều gì đó trong cuộc sống, bạn luôn ước muốn có được. Ở mỗi độ tuổi, mỗi hoàn cảnh sống thì con người lại theo đuổi những ước mơ riêng. Năm 4 tuổi mang trong mình mơ ước trở thành công chúa, trở thành anh hùng siêu nhân; năm lên 10 mơ ước dần lớn lên đó làm bác sĩ, giáo viên, công an; năm 17 tuổi mơ ước đỗ vào ngôi trường Đại học mình thích;...
Dẫu cho ở độ tuổi nào, dẫu cho chúng ta có xuất thân như thế nào thì ước mơ đều là thứ chúng ta theo đuổi nhưng để tìm ra được ước mơ thì cần thời gian, cần sự va vấp, cần trải nghiệm ta mới có thể tìm ra được. Ước mơ không ở đâu xa nó nằm ở những mong muốn của chúng ta ở khoảng thời gian đó. Chúng ta biết tới câu chuyện của Walt Disney - con thứ tư trong một gia đình nông dân nghèo, cha nghiện rượu, bài bạc. Sáu tuổi đã phải ra đồng làm việc. Mê vẽ nhưng vì không có tiền nên ông dùng than để vẽ lên giấy vệ sinh. Sau này cái tên W. Disney đã trở nên nổi tiếng thế giới với những bộ phim hoạt hình đỉnh cao. W. D đã từng nói về mơ ước rằng: “Mơ về những điều có thể đến dựa trên niềm tin vào bản thân và những giá trị của chính mình”. Hy vọng chúng ta của năm 17 tuổi hay là chúng ta của sau này đều sẽ tự mình trả lời được câu hỏi: “Ước mơ, tìm ở đâu ra”. Chỉ cần trái tim còn đang đập những nhịp ngân rung thì chúng ta còn mơ bởi “... sẽ thật tệ nếu bỏ đi niềm mơ mà sống. Cặm cụi đi suốt cuộc đời rồi trở ra biển ra sông”.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "Giới hạn tầm nhìn không giới hạn con đường mà tôi đi"