“Thời gian như là gió
Mùa đi theo tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi”
Thế nhưng đôi lúc ta lại vô tình quên đi sự vận động không ngừng nghỉ ấy, để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. Phí hoài thời gian chính là ta đã phạm phải sai lầm chẳng thể sửa chữa, bởi “Một trong những tổn thất không có gì bù đắp được là tổn thất về thời gian.” Câu nhận định là một triết lí hoàn toàn đúng đắn và thuyết phục. Tổn thất về thời gian chính là sự mất mát ta nhận về khi không biết trân trọng từng thời khắc nhiệm màu mà cuộc đời trao tặng, để cho cuộc đời của mình chỉ là những chuỗi ngày sống hoài sống phí. Mất đi thời gian quả thực là một tổn thất to lớn bởi thời gian vô cùng quan trọng. Từng giây phút trôi qua cũng là từng bước ta tìm kiếm cho mình một lẽ sống, một vị trí trong xã hội rộng bao la. Đã khi nào bạn nhìn lại bản thân và nhận ra có những lúc mình phí hoài thời gian như nhân vật Thỏ trong câu chuyện “Rùa và Thỏ”, hay thấy hổ thẹn trước những tấm gương sống tận hiến từng phút giây như nhân vật Pavel với quan điểm sống mẫu mực: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống.
Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...." (“Thép đã tôi thế đấy” - Nikolai A.Ostrovsky). Mỗi giây phút trong cuộc sống đều chứa đựng một cơ hội. Mỗi khoảnh khắc của niềm vui nỗi buồn đều giúp ta trưởng thành và tự tin hơn trên bước đường phía trước. Những sĩ tử bước vào kì thi đại học, nếu không gắng sức luyện rèn, để cho thời gian ngồi trên ghế nhà trường trôi đi hoang phí thì chắc chắn sẽ nhận về kết quả không mong muốn, nhận về những thất vọng và tiếc nuối. Đánh mất đi thời gian là đánh mất những điều giá trị mà ta không thể quay ngược bánh xe thời gian để tìm kiếm lại. Nuối tiếc thời gian là sự nuối tiếc day dứt nhất. Bởi vậy, hãy để mỗi phút giây trôi qua đều mang ý nghĩa, hãy hiện thực hóa sự trân quý thời gian của bạn trong từng hành động ngày hôm nay, để rồi sau cùng, trong mỗi chúng ta, không ai phải thốt lên hai chữ “Giá như”...
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "Dẫu phải khi cay đắng dập vùi, Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu"