Người thầy khuyết tật vượt nghịch cảnh, đào tạo nhiều học sinh đỗ đại học

Bị liệt một chân và chưa từng học sư phạm nhưng ông Đặng Tiến Dũng đã có thâm niên 20 năm dạy học, giúp nhiều học sinh đỗ đại học...

Người thầy khuyết tật vượt nghịch cảnh, đào tạo nhiều học sinh đỗ đại học

Bị liệt một chân và chưa từng học sư phạm nhưng ông Đặng Tiến Dũng đã có thâm niên 20 năm dạy học, giúp nhiều học sinh đỗ đại học...

Xuất hiện trên sân khấu "Trạm yêu thương" với tấm bảng viết và cây bút, hai đồ vật quen thuộc trong các buổi dạy học, ông Dũng xúc động viết 3 từ “Trạm yêu thương”. Ông chia sẻ mình dạy Toán, không dạy Tiếng Việt nhưng lựa chọn tên chương trình, bởi hai từ “yêu thương” luôn khiến ông trân trọng và đầy cảm xúc khi được viết ra. Đó cũng là một trong ba từ khoá mà ông tâm đắc nhất trong quá trình dạy học của mình: “Kiên trì, tự hào và yêu thương”.

Khi được hỏi về hoàn cảnh của mình, giọng ông Dũng trầm xuống: “Năm lên 6, sau đợt sốt rét ác tính lên cơn co giật, tôi bị liệt một chân dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật đeo bám, khiến tôi phải bỏ dở sự nghiệp đèn sách từ năm lớp 7”. Thế nhưng, niềm khát khao được học hỏi, được chinh phục các con số chưa bao giờ tắt trong lòng cậu bé Đặng Tiến Dũng.

Ông Đặng Tiến Dũng là khách mời của chương trình "Trạm yêu thương"

Không được đi học, ông Dũng làm đủ thứ nghề để bươn chải cuộc sống, từ thợ mộc, thợ xây, sửa xe máy, buôn bán cho đến làm nông nghiệp. Sau khi lập gia đình với tổ ấm hạnh phúc cùng 4 đứa con, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng khiến ông chật vật. Vất vả, khó khăn là thế, nhưng hàng ngày đi làm về ông lại cặm cụi nghiên cứu sách vở, trau dồi kiến thức để kèm cặp 4 đứa con. Những tháng ngày đứa con đầu học lớp 1, ông cũng bắt đầu mày mò học lại. Cứ thế con học đến lớp nào là cha học đến lớp đó, ông Dũng tự học và nhiều lúc làm học trò của con.

Những tháng ngày cha và con tự học, kiến thức chỉ gói gọn trong sách giáo khoa thế nhưng 3 trong số 4 người con của ông Dũng đều học giỏi và đã có công việc làm ổn định. Tiếng lành đồn xa, danh tiếng về gia đình hiếu học này nổi danh khắp vùng, nhiều gia đình trong vùng kéo nhau đưa con, đưa cháu đến nhờ ông Dũng kèm cặp: “Thật sự lúc đó rất bất ngờ, thấy phụ huynh gửi gắm con cái cho tôi dạy, tôi rất vui nhưng tôi không có bằng cấp gì nên cũng không dám nhận lời. Cuối cùng, mọi người yêu thương động viên, lại thấy nhiều em học sinh ham học muốn được giúp đỡ nên tôi đã nhận lời”.

Phóng sự của "Trạm yêu thương" đưa khán giả ghé thăm lớp học của thầy giáo làng Đặng Tiến Dũng. Mỗi ngày có hàng chục học sinh đến học, ông Dũng không phân lớp theo độ tuổi mà theo trình độ. Tất cả kiến thức ông đều học hỏi trên sách giáo khoa, nhiều đề bài hóc búa khiến thầy giáo làng phải mày mò cả đêm để giải cho bằng được. Học trò ai cũng vừa kính vừa thương thầy.

Dù đã 70 tuổi, nhưng ông chưa bao giờ ngừng cập nhật kiến thức mới, chuyển đổi cách ôn thi từ tự luận sang trắc nghiệm, có khi ông còn trở thành người bạn tâm tình của các em: “Những học sinh đến với tôi vô cùng đặc biệt, đó là những em từng thi trượt đại học, khi đó tâm lý các em bất ổn, dễ tổn thương, mình không chỉ dạy kiến thức mà còn trở thành chuyên gia tâm lý, tìm xem em hổng kiến thức chỗ nào thì bồi đắp vào chỗ đó”.

Đến nay thầy giáo làng Đặng Tiến Dũng đã đào tạo nhiều lứa học sinh, giúp nhiều em thi đậu đại học. Khi hỏi về mong muốn trong tương lai, ông chỉ mong có thêm sức khoẻ để tiếp tục công việc của mình, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ham học.

Xem thêm: Tấm lòng nhân ái: Má Tuyết một tay - điểm tựa của những người có con khuyết tật