Má lo về già con dâu ngược đãi - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Nhìn cách má len lén quan sát sắc mặt dâu út, tất bật làm mọi việc cho dâu út vui, lấy đồ nhà chị mang cho dâu út, chị thấy... sai sai.

Má lo về già con dâu ngược đãi - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Nhìn cách má len lén quan sát sắc mặt dâu út, tất bật làm mọi việc cho dâu út vui, lấy đồ nhà chị mang cho dâu út, chị thấy... sai sai.

Chị đưa má chồng ra bến xe để về quê. Chị dúi vào tay má ít tiền để xài vặt. Má nhìn xấp tiền, dè dặt: “Con còn nữa không, cho má thêm một ít”. Chị cười khổ, vét nốt mớ tiền trong bóp đưa cho má. Má hớn hở: “Tháng sau má lại lên”.

Về nhà, chị phát hiện nồi cơm điện mới mua không cánh mà bay. Chị biết ngay má chồng mang nồi cơm về cho em dâu út. Đây không phải là lần đầu nhà chị vô cớ mất đồ. Lần trước là nồi chiên không dầu chị mua chưa kịp xài, trước nữa là quạt máy, nồi áp suất…

Khi chị phát hiện món đồ của mình ở nhà má, má nói tỉnh bơ: “Vợ chồng con có điều kiện muốn sắm gì cũng được. Vợ chồng thằng út là giáo viên, lo miếng ăn còn trầy trật. Má đem về cho nó xài, đỡ phải mua”.

Chị ấm ức trong lòng, vợ chồng út muốn dư giả thì phải kiếm việc làm thêm, đâu thể vin vào cớ lương ít rồi than thiếu thốn.

Thật ra chị biết rõ em dâu út chẳng đòi hỏi gì, mà tại má thích tha đồ về khiến chị khó xử, dâu út cũng khó xử. Chồng chị kẹt giữa má và vợ, càng khó xử hơn. Nhiều lần anh khuyên chị: “Má già rồi hay cả nghĩ, em bỏ qua cho yên cửa yên nhà”. Chị bỏ qua, nhưng lòng vẫn không vui.

Dạo trước, má không thiên vị dâu út như bây giờ, thậm chí còn thương chị nhiều hơn vì chị rộng rãi tiền bạc, lại không ra đụng vào chạm những chuyện vặt với má. Mỗi lần vợ chồng chị về chơi, má hối dâu út đổ bánh xèo, làm gà nấu cháo…

Chị biết em dâu cực nhọc nên hay mua quần áo, mỹ phẩm tặng em. Em dâu cũng hiểu chuyện, hay làm sẵn gà vịt, hái rau trái cho chị mang đi. Má vẫn hay khoe với lối xóm là chị em bạn dâu thuận thảo, má mừng…

Từ ngày ba chồng mất, má lủi thủi vào ra. Rồi không biết má nghe ai bàn tán, nói người già hay bị con cái bỏ bê, không chăm sóc. Khó với dâu là dâu ghét, bỏ đói không cho ăn cơm. Mấy cái clip con dâu bạc đãi, đánh đập má chồng bằng chổi... khiến má lo sợ. Má sợ tuổi già sẽ giống mấy bà già bất hạnh trên mạng.

Má bỗng quay ngoắt 180 độ, dễ dãi và cả nể dâu út. Má chịu khó dậy sớm phơi quần áo, nấu đồ ăn sáng. Dâu út đi dạy về má đã nấu sẵn cơm. Thằng út thấy má cực, can má đừng làm nhiều, nhưng má đâu nghe.

Bữa chị về chơi, thấy má loay hoay đun nấu trong căn bếp tối. Trời nóng má cũng không dám bật quạt máy. Má kể dâu út mới than tháng này trả tiền điện nhiều… Chị hứa hàng tháng sẽ phụ trả tiền điện, má mới nhẹ nhõm thở ra.

Tiền xài vặt hàng tháng vợ chồng chị chu cấp, má để dành mua thuốc, phần còn lại thì mua vé số, hy vọng vận may sẽ tới, má sẽ được đổi đời. Dâu út nói: “Má không được mua vé số nữa, tiền đó để dành má thích ăn gì thì mua”. Sau bữa đó má mới thôi mua vé số.

Má hay cất đồ ăn thừa trong tủ lạnh, có khi chỉ là chút đồ xào, thịt kho tới kho lui đã khô cong. Dâu út nói má ăn vậy dễ đau bụng. Dù tiếc hùi hụi nhưng má cũng bấm bụng đem đổ…

Chồng chị nói, má sợ dâu út cũng có cái hay, ai nói má cũng không nghe, dâu út lên tiếng má mới theo. Hay thì có hay, nhưng nhìn cách má len lén quan sát sắc mặt dâu út, tất bật làm mọi việc để dâu út vui, lấy đồ đạc nhà chị mang về cho dâu út xài… chị thương má vô cùng.

Nhiều lần chồng chị trấn an má: “Vợ chồng thằng út có hiếu với má, sao má phải lo. Nếu tụi nó không tốt với má thì cũng còn vợ chồng con. Má đừng để mình cực, cũng đừng lo lắng quá, ảnh hưởng sức khỏe”.

Má nói ở quê quen rồi, phố thị ồn ào má không chịu được. Tuổi già của má chỉ muốn ở căn nhà cũ, vào ra thắp nhang cho ba má mới yên tâm. Nên giá nào má cũng phải lấy lòng dâu út để nó thương, không bạc đãi má…

Nỗi lòng của má chị hiểu lắm. Người già như đứa trẻ con, hay tự nhát mình, sợ này sợ kia; nỗi sợ lớn nhất là không được yêu thương, phải cô độc một mình. Vợ chồng chị ráng làm cái máy ATM không hạn mức cho khách VIP là má. Má rủng rỉnh tiền trong túi, nỗi lo của má có giảm chút nào chăng?

(Theo Phunuonline)

Xem thêm: Bố nuôi - Câu chuyện nhân văn về tình phụ tử