Khi "triết lý sống" của các quốc gia đi vào NLXH

Bạn biết không, mỗi quốc gia trên thế giới sẽ có những triết lý sống độc đáo, mang ý nghĩa đặc biệt riêng. Hãy cùng tìm hiểu để áp dụng cho bài NLXH của mình nhé.

Khi "triết lý sống" của các quốc gia đi vào NLXH

Bạn biết không, mỗi quốc gia trên thế giới sẽ có những triết lý sống độc đáo, mang ý nghĩa đặc biệt riêng. Hãy cùng tìm hiểu để áp dụng cho bài NLXH của mình nhé.

01

TRIẾT LÝ: SISU (PHẦN LAN) 

Triết lý "Sisu" là một triết lý đặc biệt phổ biến trong văn hóa Phần Lan. Tuy "Sisu" không có định nghĩa chính thức hay cụ thể nào, nhưng có thể hiểu một cách khái quát rằng "Sisu" là một sự kết hợp của sự kiên nhẫn, kiên trì, quyết tâm và sức mạnh tinh thần. Vì thế, Sisu thường được coi là một triết lý quan trọng, để nhắc nhở, hướng mọi người kiên cường vượt qua những khó khăn, thử thách, không bao giờ bỏ cuộc cũng như tin vào khả năng, giá trị của bản thân. "Sisu" là một phần của bản sắc và tinh thần của người Phần Lan, đó là sức mạnh tinh thần không thể dễ dàng khuất phục bởi khó khăn và thách thức.

ÁP DỤNG TRIẾT LÝ SISU (PHẦN LAN) VÀO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI:

Chủ đề: Khích lệ con người kiên nhẫn và tin tưởng vào khả năng, giá trị của bản thân.

Giữa "đại lộ xô bồ", cuộc sống giống như một chuyến xe đường dài chạy mãi chẳng biết khi nào dừng lại, ta sống ở hiện tại và chẳng thể đoán trước tương lai sẽ ra sao, bản thân sẽ thế nào, liệu sở nguyện ta từng theo đuổi có còn như ban đầu? Bởi vậy, sự kiên nhẫn, kiên trì và tin tưởng vào năng lực, giá trị của bản thân vẫn luôn là kim chỉ nam trong cuộc sống của mỗi người. "Sisu" - một triết lý sống đã đi vào trong văn hóa Phần Lan như một cơ sở, nguồn sức mạnh thúc đẩy con người vượt qua những chông gai, thử thách, khó khăn trong cuộc sống và đây cũng chính là nền tảng khởi đầu cho mọi bước đi trên hành trình trưởng thành, hoàn thiện và phát triển chính mình. Chúng ta đang bước trên những con đường mà mình đã chọn, dẫu phía trước có là nước mắt hay hy vọng, và mệt mỏi hay đau thương, thì hết thảy đều chỉ là những nấc thang để bản thân có thể trở nên kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn và hoàn thiện hơn. Hãy không ngừng nỗ lực và cố gắng, cho thành quả của mình một chút thời gian, rồi một ngày sau bao đắng cay ta có được trái ngọt, hoa thơm đó chính là những thành quả xứng đáng với quá trình nỗ lực của chúng ta. Hãy luôn tích cực và phấn đấu không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn là cống hiến nhiều điều tốt đẹp cho xã hội.

02

TRIẾT LÝ: LAGOM (THỤY ĐIỂN)

Triết lý Lagom trong đó từ "lagom" có nguồn gốc từ tiếng Thụy Điển cổ, có nghĩa là "đủ", "đúng", hoặc "không quá nhiều, không quá ít". Lagom không dừng lại ở việc đề cập đến sự cân bằng về vật chất mà còn đề cập đến sự cân nhắc trong tinh thần, hành động và quan hệ xã hội. Triết lý Lagom còn thường được hiểu là lối sống giản dị, không hoa mỹ, không phung phí và không thái quá. Đây được xem là nguồn cảm hứng cho cách tiếp cận giáo dục, kinh doanh, và cuộc sống hằng ngày. Hơn hết, Lagom góp phần thúc đẩy sự cân bằng, chia sẻ và tinh thần đồng lòng trong cộng đồng.

ÁP DỤNG TRIẾT LÝ LAGOM (THỤY ĐIỂN) VÀO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Chủ đề: Trân trọng những gì mà ta đang có.

Mỗi ngày chúng ta đang không ngừng so sánh bản thân với những người khác, điều đó giống như một thói quen khó bỏ. Sự so sánh trong học tập, sở thích, ăn mặc, công việc, gia đình, con cái… không có điểm dừng. Song liệu khi nào mới là "đủ"? Khao khát có một cuộc sống tốt đẹp hơn là khao khát chính đáng của mỗi người. Ta chạy theo sự gấp gáp của cuộc sống thường nhật, để khi trở về nhà trong lòng ta chất chứa sự mệt mỏi và chẳng ngần ngại than phiền, trách móc tại sao một ngày không có 48 tiếng? Thế nhưng có một sự thật rằng, nếu cứ tiếp tục đòi hỏi thì cuộc sống sẽ chỉ đầy ắp những u uất và chán nản. Thấu hiểu điều ấy, người Thụy Điển đã sáng tạo ra triết lý Lagom. "Lagom" một từ có nguồn gốc từ tiếng Thụy Điển cổ, có nghĩa là "đủ", "đúng", hoặc "không quá nhiều, không quá ít". Đây là một triết lý bắt nguồn từ Phần Lan, trở thành một phần trong cuộc sống và ảnh hưởng tới họ trong nhiều lĩnh vực như tiếp cận giáo dục, kinh doanh... Sống với những gì mình đang có, không quá đề cao được mất, nhiều ít.

"Đủ nắng hoa sẽ nở

Đủ gió chong chóng sẽ quay

Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy. "

Bằng cách sống theo nguyên tắc "biết đủ", chúng ta có thể xây dựng nên một xã hội phát triển và tràn ngập niềm hạnh phúc. 

03

TRIẾT LÝ: FRILUFTSLIV (NA UY)

Friluftsliv đề cập đến sự kết nối với tự nhiên thông qua các hoạt động ngoài trời. Từ "friluftsliv" bao gồm "friluft" (nghĩa là "không gian ngoài trời") và "liv" (nghĩa là "cuộc sống"), về cơ bản có thể được dịch là "cuộc sống ngoài trời". Triết lý này tập trung hướng con người đến sự trải nghiệm và tận hưởng, hòa mình vào thiên nhiên, qua các hoạt động như đi bộ đường dài, leo núi, đi xe đạp, cắm trại, hoặc thậm chí chỉ là việc ngồi yên tĩnh chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, sự chữa lành từ bên trong tâm hồn.

ÁP DỤNG TRIẾT LÝ FRILUFTSLIV (NA UY) VÀO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI:

Chủ đề: Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Môi trường sống đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của con người và các loài sinh vật , "mẹ thiên nhiên" ban cho nhân loại những rừng cây xanh bạt ngàn, những đại dương mênh mông, hay vẻ đẹp đẽ tinh khôi của những bông tuyết nơi đỉnh núi cao thấp thoáng trong tầng mây giăng mờ ảo… Và sẽ chẳng thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của thiên nhiên nếu ta không một lần bước đi trên những cung đường râm mát với những chiếc lá ngân hạnh khẽ khàng chao liệng giữa không trung, nếu không một lần đạp xe đạp quanh thành phố để hít thở không khí trong lành hay lắng nghe sự "tỉnh giấc" từ mọi nẻo đường để chuẩn bị cho một ngày dài tất bật và nhộn nhịp. "Friluftsliv" là một triết lý xuất phát từ Na Uy, khuyến khích con người hãy "sống chậm" lại, gác lại công việc bộn bề trong một quãng thời gian nhất định như cách để ta tự thưởng cho chính sự vất vả của bản thân thời gian qua, bằng những chuyến trải nghiệm và hòa mình vào thiên nhiên, vui chơi ngoài trời. Đây không chỉ là cách để con người và thiên nhiên trở nên gần gũi hơn mà thông qua đó ta nhìn nhận được giá trị và vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc giữ gìn sự bền vững của môi trường. Bước ra ngoài trải nghiệm còn rèn luyện cho chúng ta ngày càng trở nên độc lập và tự tin hơn thông qua những khám phá hay đối mặt với thách thức. Chính những trải nghiệm và kỹ năng mà ta được học, được biết từ các hoạt động ngoài trời có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và toàn xã hội.

Xem thêm: NLXH: Thế giới này hy hữu kỳ diệu như một phép màu