Cách người Do Thái dạy con: Con lỡ "chỉ điểm" người lạ trên đường là kẻ xấu, bố dắt con cả đêm đi tìm để xin lỗi

Người Do Thái vô cùng yêu con nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc với con. Đó là cách ông bố Do Thái này dạy con trai mình thế nào là sống tử tế đối với những người xung quanh.

Cách người Do Thái dạy con: Con lỡ "chỉ điểm" người lạ trên đường là kẻ xấu, bố dắt con cả đêm đi tìm để xin lỗi

Người Do Thái vô cùng yêu con nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc với con. Đó là cách ông bố Do Thái này dạy con trai mình thế nào là sống tử tế đối với những người xung quanh.

Cách đây nhiều năm, vào một buổi chạng vạng mùa xuân thật dễ chịu ở thủ đô Washington D. C., vợ tôi cùng ba đứa con đi bộ về nhà sau một bữa ăn tối bên ngoài. Trên đường về, con cả của tôi tên là Eiden, lúc đó lên năm, đi ngang qua một người đàn ông vô gia cư trong bộ quần áo rách rưới còn xung quanh thì đầy túi ni-lon. Cháu kêu lên: "Ông là người xấu."

Vợ tôi đã rất sốc và bắt cháu phải xin lỗi. Thằng bé miễn cưỡng nói lời xin lỗi.

Tôi về nhà sau bốn mẹ con không lâu và thấy lũ trẻ, như thường lệ, đã đóng xong bộ đồ ngủ. Nhưng ánh mắt của mẹ chúng lại cho tôi biết có điều gì đó bất ổn. Sau khi nghe vợ kể lại, tôi ra lệnh cho Eiden đi giày và mặc một chiếc áo choàng ra ngoài bộ đồ ngủ.

"Ba đưa con đi đâu vậy ạ?" Eiden hỏi với một chút bối rối.

"Đi thực hiện một sứ mệnh", tôi đáp.

Sau khi đi được một quãng chừng nửa dãy nhà, tôi quỳ xuống ngang tầm mặt con, nhìn vào mắt cháu rồi hỏi: "Con có biết vì sao con lại gọi người đàn ông đó là người xấu không? Vì người ông ta hôi hám? Hay vì ông ta mặc quần áo rách rưới?"

Thằng bé không thể trả lời.

Chúng tôi lại đi tiếp thêm một nửa dãy nhà nữa và tôi lại dừng lại. Lần này tôi ngồi lên vệ đường và bảo con cùng ngồi xuống, những chiếc xe rít qua hai cha con tôi vèo vèo khi ánh chạng vạng đang nhanh chóng lụi tắt.

"Năm nguyên tắc của nhà ta là gì con nhỉ?" Tôi hỏi.

Sau một giây suy nghĩ, cháu hào hứng đọc một mạch: "Sống tử tế, biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn, nỗ lực hết mình, không bao giờ đầu hàng, và sống vui vẻ."

Tôi gật đầu ra ý tán thành.

Eiden nói tiếp: "Con biết những lời con nói không tử tế chút nào." và thừa nhận hành động của cháu không phải là của một con người có danh dự và liêm chính. Cháu đề nghị chúng tôi cùng đi tìm người đàn ông và trao cho ông ta tzedakah.

Đây là một từ trong tiếng Do Thái thường được dịch đơn giản là "từ thiện", song ý nghĩa thực sự của nó lại là "công bằng".

Khi chúng tôi tìm được ông, bóng tối đã hoàn toàn bao phủ vạn vật. Xe cộ trên đường cũng vãn dần, và không gian chỉ vang lên tiếng dế gáy trong đêm tối. Ông ta đang co ro trong một góc phố cùng hai người đàn ông khác cũng trong những bộ đồ rách rưới, và cả ba đang thì thầm trò chuyện. Mùi nước tiểu lẩn khuất đâu đó trong không khí.

Tôi đưa cho con vài đồng đô-la mà trống ngực đập thình thình. Tôi không hề biết rõ những người đàn ông này và tôi lo nhỡ có sự chẳng lành. Liệu họ có đang say khướt? Hoặc rất thô bạo? Hay ông ta có tức giận với con trai tôi?

Nhưng rồi tôi xua những ý nghĩ đó ra khỏi đầu, tiến về phía họ cùng với Eiden và nói: "Thưa các quý ông. Xin cảm ơn vì đã bỏ thời gian tiếp chuyện cha con tôi. Cháu nhà tôi có vài lời muốn nói với các ông."

Họ nhìn tôi có phần bối rối. Eiden bước về phía người mà cháu đã xúc phạm, trao cho ông ta chỗ tiền, và xin lỗi ông rồi nói: "Cầu Chúa ban phước lành cho ông!" rồi đưa tay ra cho ông bắt.

Người đàn ông nọ nhìn Eiden, mỉm cười, và bắt tay cháu. Hai người còn lại cũng mỉm cười. Rồi họ không ngớt lời khen ngợi con trai tôi và gọi cháu là thiên thần. Sau đó, chúng tôi tạm biệt họ và cùng nhau đi bộ về nhà.

Còn vài dãy phố nữa là tới nhà, một lần nữa tôi lại quỳ xuống trước mặt Eiden rồi hỏi: "Điều gì vừa xảy ra ở đây vậy con?" Với cảm giác tự hào sâu sắc, thằng bé trả lời: "Ba ơi, con đã biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn. Con cảm thấy thật tuyệt vời."

(Bài viết được trích từ cuốn sách "Israel – Mảnh đất của những phát minh vì con người")

Xem thêm: Gia Cát Lượng dạy con cháu: Hãy "tu luyện thân tâm" để xoay chuyển vận mệnh đời người