Dẫn chứng NLXH "chuyện xưa tích cũ" từ sách cổ học tinh hoa

Dưới đây là một số mẩu truyện được chọn lọc trích dẫn từ cuốn "Cổ học tinh hoa" mà các bạn học sinh có thể vận dụng để tăng độ sâu sắc cho bài viết.

Dẫn chứng NLXH "chuyện xưa tích cũ" từ sách cổ học tinh hoa

Dưới đây là một số mẩu truyện được chọn lọc trích dẫn từ cuốn "Cổ học tinh hoa" mà các bạn học sinh có thể vận dụng để tăng độ sâu sắc cho bài viết.

Cổ học tinh hoa là cuốn sách tổng hợp những “chuyện xưa tích cũ” do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc cùng Tử An Trần Lê Nhân dịch và biên soạn. Những câu chuyện tuy ngắn nhưng nghĩa lý thì hàm súc dồi dào, truyện tuy cổ mà chứa chân lý muôn đời, thời nào cũng có thể suy ngẫm từ những nhà tư tưởng lớn phương Đông như Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử,... 

LÒNG CƯƠNG TRỰC

Thôi Trữ là quyền thần nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không nhất quyết không chịu thề.

Thôi Trữ bảo Án Tử:

- Người nghe ta. Ta lấy được nước thì ta cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức .

Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những sự đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi, mà Án Tử vẫn không biến sắc mặt, ung dung nói rằng:

- Lấy lợi dử người ta, mà bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân; lấy binh khí hiếp người ta, mà làm người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm.

Thôi Trứ nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy, ung dung bước ra.

Tả truyện

——

Cương trực: Cứng rắn, ngay thẳng.

Quyền thần: Người bề tôi chiếm hết cả quyền của vua chúa.

Nước Tề: Một nước chư hầu lớn thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Ăn thề: Giết một con vật lấy máu cùng uống mà thề ước với nhau làm một việc gì.

Bất nhân: Mất hết lòng thương người.

Bất dũng: Không có can đảm, khí phách. 

CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI

Thầy Nhan Uyên hỏi đức Khổng Tử:

Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?

Đức Khổng Tử nói:

- Ngươi hỏi thế phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận, không ham mê gì. Hèn, mà muốn cũng như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn nhời rồi mới nói.

Khổng Tử tập ngữ

——

Nhan Uyên: Tên là Hồi, người nước Lỗ, thời Xuân Thu học trò giỏi nhất của đức Khổng Tử.

Hồi: Theo lễ xưa, hầu chuyện những bậc trên như vua, cha, thầy học, thường hay xưng tên.

BIẾT LẼ NGƯỢC, XUÔI

Việc đời có lắm cái hình như ngược, mà thật thì xuôi, có lắm cái hình như xuôi, mà thật lại ngược. Ai biết rõ việc thật ngược, xuôi thế nào, người ấy mới là người tinh đời. Phàm cái gì đã đến cùng cực thì tất nhiên phải quay giở lại; dài quá thì tất phải ngắn dần đi ngắn quá thì tất lại dài dần ra. Đó là cái lẽ tự nhiên như thế.

Vua Trang Vương nước Kinh muốn đánh nước Trần, sai người sang dò. Người ấy về nói:

- Nước Trần không nên đánh.

Trang Vương hỏi:

- Tại làm sao?

Người ấy thưa rằng:

- Nước Trần thành cao, hào sâu, kho tàng súc tích nhiều.

Triều thần có người Ninh Quốc nói:

- Như thế thì nước Trần nên đánh lắm. Nước Trần vốn là nước nhỏ, mà kho tàng súc tích nhiều, thì chắc là thuế má nặng. Thuế má nặng thì tất dân oán vua. Thành cao, hào sâu, thì phục dịch nhiều. Phục dịch nhiều thì tất dân kiệt sức. Nếu ta đem quân sang đánh, tất lấy được Trần.

Vua Trang Vương nghe nhời, cất quân đánh, quả lấy được nước Trần.

Lã thị Xuân Thu

——

Dài quá thì… : Câu này có ý nói đầy, vơi, tròn, khuyết, dài, ngắn, thường hay đắp đổi cho nhau. Thí dụ như ngày hạ chí là ngày dài nhất trong một năm, thì những ngày sau ngày hạ chí tất cứ mỗi ngày mỗi ngắn dần, lại ngày đông chí là ngày ngắn nhất thì những ngày sau ngày đông chí lại dài dần mãi ra.

Kinh: Cũng là tên nước Sở. Một nước lớn thời Xuân Thu.

Trần: Một nước nhỏ thời Xuân Thu.

Phục dịch: Làm các công việc vua quan như làm đường xá, đắp thành lũy, vv…

ĐÁNH ĐÀN

Vua nước Tề thích nghe sáo. Có kẻ muốn cầu chút công danh, đem đàn đến đứng trước cửa nhà vua mà đánh. Đánh luôn ba năm, mà vua không hỏi tới.

Anh ta giận lắm, gắt mà nói rằng:

- Ta đánh đàn đến cả quỷ thần cũng phải say mê, thế mà vua không biết cho ta!

Có người nghe nói, cười mỉa, bảo rằng:

- Vua thích nghe sáo mà bác đánh đàn, cho đàn bác hay đến đâu, nhưng vua không thích thì làm thế nào được? Thế là bác chỉ giỏi ngón đàn, chớ không khéo cầu công danh ở nước Tề này vậy!

NGƯỜI CON CÓ HIẾU

Thầy Tử Lộ vào hầu đức Khổng Tử, nói rằng:

- Đội nặng đi đường xa thì tiện đâu nghỉ đấy, không đợi chọn chỗ, rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi có quyền cao, chức trọng, mới chịu làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm thường đưa dưa muối, đường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Lúc song thân mất, làm quan ở nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những của tốt, mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước, thì không sao được nữa! Cha mẹ tuổi già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi, mà cha mẹ không còn sống.

Đức Khổng Tử nói:

- Do, nhà ngươi phụng sự song thân như thế rất là phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng, lúc người mất, thì hết lòng thương tiếc.

Gia ngữ

———

Tử Lộ: Người họ Trọng, tên Do, thời Xuân Thu, học trò đức Khổng Tử, tính hiếu thảo, hùng dũng có tài chính sự.

Song thân: Ý chỉ cha mẹ.

Bóng qua cửa sổ: Bóng đây là bóng mặt trời, ý nói thời giờ chóng qua cũng nghĩa như câu: Ngựa phi qua khe cửa.

Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống: “Thực dục tĩnh nhi phong bất định, tứ dục dưỡng nhi thân bất đại".

TRÍ VÀ NHÂN

Thầy Tử Lộ yết kiến đức Khổng Tử.

Đức Khổng Tử hỏi:

- Thế nào là người trí? Thế nào là người nhân?

Thầy Tử Lộ thưa:

- Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình; người nhận là người làm thế nào để cho người ta yêu mình.

Đức Khổng Tử bảo:

- Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn.

Thầy Tử Lộ ra, thầy Tử Cống vào, đức Khổng Tử lại hỏi người trí, người nhận là thế nào.

Thầy Tử Cống thưa:

- Người trí là người biết người, người nhân là người yêu người.

Đức Khổng Tử bảo :

- Nhà ngươi nói như vậy, cũng khá gọi là người có học vấn.

Thầy Tử Cống ra, thầy Nhan Hồi vào, đức Khổng Tử lại đem trí , nhân ra hỏi .

Thầy Nhan Hồi thưa:

- Người trí là người tự biết mình, người nhân là người tự yêu mình. Đức Khổng Tử bảo:

- Nhà ngươi nói như vậy đáng gọi là bậc sĩ quân tử.

Gia ngữ

——

Tử Lộ : Học trò giỏi đức Khổng Tử có tiếng về khoa chánh sự.

Học vấn: Học để cho biết nhiều, hỏi(vấn) để cho tinh.

Tử Cống : Học trò giỏi đức Khổng Tử có tiếng về khoa ngôn ngữ.

Nhạn Hồi (tên khác của Nhan Uyên): Học trò giỏi nhất đức Khổng Tử, có tiếng về khoa đức hạnh.

Sĩ quân tử : Bậc người thượng lưu trong xã hội, có đức hạnh, có học vấn , có kiến thức.

Xem thêm: Làm đúng 3 yêu cầu dưới đây, chắc chắn "ẵm" trọn 2/2 điểm nghị luận xã hội 200 chữ