Chuyện nhặt từ... vỉa hè - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Tôi dừng xe trước cột điện trên vỉa hè con đường nội ô Đà Nẵng. Từ tầm tay với đến thắt lưng, cột điện như khoác lên mình trang phục loang lổ với bao nhiêu là nội dung quảng bá: Khoan cắt bêtông, hút hầm cầu, tìm người giúp việc, luyện thi, dạy kèm...

Chuyện nhặt từ... vỉa hè - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Tôi dừng xe trước cột điện trên vỉa hè con đường nội ô Đà Nẵng. Từ tầm tay với đến thắt lưng, cột điện như khoác lên mình trang phục loang lổ với bao nhiêu là nội dung quảng bá: Khoan cắt bêtông, hút hầm cầu, tìm người giúp việc, luyện thi, dạy kèm...

Đây không phải là chuyện lớn nhưng gây phản cảm, thành phố cũng đã có quy định xử phạt hành vi này, tuy vậy cũng khó mà làm triệt để. Việc này sẽ tiếp tục làm dài dài và một phần phải trông đợi vào ý thức của người dân.

Thực ra tôi dừng xe bởi yếu tố khác. Trong những nội dung quảng bá ấy, tôi chợt chạnh lòng trước dòng chữ: “Cho nữ thuê phòng trọ, liên hệ...”; “Cho thuê phòng trọ - Chỉ cho nữ thuê”. Ai cũng biết, người thuê phòng trọ hiện nay phần lớn là sinh viên (SV) các trường đại học. Khi đọc những dòng chữ này, các em nam SV nghĩ gì?

Trong một phóng sự về đời sống SV tại Đà Nẵng, người đọc không khỏi bận lòng trước thực trạng nam SV nhậu nhẹt quá đà. Không chỉ “hết mình” ở quán xá, SV còn tụ tập tại phòng trọ tổ chức nhậu nhẹt, đàn hát, hò hét, cụng ly “trăm phần trăm”, uống cho “thầy hết chịu nổi” và “mọi người phải kiêng nể”(?)... Tàn cuộc nhậu là lời ra tiếng vào ồn ào không ai chịu nổi, là thiếu thốn nợ nần học phí, là ẩu đả và cũng có thể là những hành vi vi phạm pháp luật. Không hiếm SV phải bỏ học nửa chừng hoặc sa vào lao lý cũng bắt đầu từ nhậu...

Đối với chủ nhà trọ, mong muốn của họ là có người thuê và thu được tiền. Vậy nhưng khi chấp nhận cho nam SV thuê trọ, họ cũng phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Phòng trọ bẩn thỉu nhếch nhác, hư hỏng, các khách trọ khác lần lượt bỏ đi bởi không chịu nổi cách hành xử của “láng giềng”... Bởi vậy, một số chủ nhà trọ thà chấp nhận để trống phòng còn hơn cho nam SV thuê. Người ta “chê” khách trọ là nam SV bởi thực trạng đó.

Nói vậy cũng không có nghĩa là vơ đũa cả nắm. Thực tế vẫn có những nam SV chịu khó học hành, ăn ở đàng hoàng tử tế được mọi người xung quanh quý mến và trân trọng. Họ phải gánh chịu hệ lụy từ chính bạn bè và điều đó làm cho nhiều người cảm thấy chạnh lòng... Nếu chủ nhà trọ nào cũng “chê” thì nam SV trọ ở đâu để học hành? Ở các lớp học có nhắc nhở về lối sống của nam SV? Nhà trường có biết việc này và có biện pháp gì tháo gỡ khó khăn cho các em không?

Người viết cũng từng là nam SV nên không quá xa lạ với những “mặt trái” của đời sống SV như báo chí phản ánh. Dù vậy, khi đứng trước những dòng chữ mang hàm ý “tẩy chay” nam SV ở trọ vẫn không khỏi cảm giác vừa thương vừa giận. Đành rằng ai cũng phải trải qua thời trai trẻ với sự tự tin thái quá hay chút ngông nghênh "dễ thương", nhưng dù gì các em cũng phải tỉnh táo, biết liều lượng để mà dừng hoặc tìm cách xử sự cho hợp lý để mọi người còn có thể chấp nhận được mình. Đừng mặc cảm và cũng đừng ác cảm với những dòng chữ lạnh lùng ấy mà nên nhận lỗi về mình để thay đổi. Nếu thực sự xúc cảm trước điều ấy, các em sẽ thay đổi dần để cải thiện cách nhìn của xã hội về đời sống SV. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ mang đến cho các em những điều tốt trong học tập, trong ứng xử, trong các điều kiện cơ bản để học hành và quan trọng là tạo tiền đề cho các em vững vàng bước vào cuộc sống.

Xem thêm: Người thầy đầu tiên - Câu chuyện nhân văn sâu sắc