Nữ sĩ Blagađimitrova từng thở than: “Ôi nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi đã chẳng phải khổ sở thế”. Và Chế Lan Viên, một nhà thơ suốt đời luôn khao khát đi tìm bản thể thơ cũng phải chua chát thú nhận: “Thực ra tôi chưa hiểu hết thơ đâu… Vẫn còn nghĩ tiếp, nghĩ tiếp mà”. Còn Thanh Thảo tâm sự: “Kỳ lạ, là thơ. Lúc ta cất công tìm nó, thì nó chạy đi đâu, còn lúc tình cờ, ta chợt nghe trong mình một tiếng nói, cứ như ai mượn ta hay nhập vào ai, không rõ bắt đầu, không định kết thúc”. Bởi thế: “Thơ không cần lý giải, mà cần được cảm, được xúc động, được đánh thức một cách như tình cờ”.
“Khả giải” và “bất khả giải” là gì?
“Khả giải” tức có thể dùng lí trí để cắt nghĩa, lý giải một cách tường minh sáng rõ những ý tứ nhà thơ gửi gắm trong con chữ. Ngược lại, “bất khả giải” một phần bởi không thể, không có khả năng nhưng thực chất là “bất tất giải” (theo cách nói của nhà thi thoại đời Minh – Tạ Trăn) tức là ta không cần, không nên, không muốn làm rõ những khoảng mờ, khoảng trống khoảng trắng trong thế giới cảm xúc của nhà thơ.
Tại sao có chỗ “khả giải” có chỗ “bất khả giải” trong thơ?
Từ bao đời nay, nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng luôn luôn khó hiểu, khó hiểu từ trong cái bản chất mơ hồ, đa nghĩa của nó. Nói như Vương Sĩ Trinh, đại ý: thơ khó ở chỗ nếu không giải thích được thì thơ vô vị mà giải thích được thì hết vị. Thật vậy, thơ luôn lung linh giữa giải thích được và không giải thích được – thi thị khả giải bất khả giải chi gian. Đứng về phía người sáng tạo, Freud cho rằng nghệ sĩ giống như người mắc bệnh tâm thần, rời bỏ thực tại để đi vào thế giới ảo tượng. Thơ đưa người làm thơ vào cách đi của người mộng du, đi trong mơ với cặp mắt mở to, mở to nhưng không thấy gì, nghe tất cả mà cuối cùng chỉ là những tiếng văng vẳng. Nói cách khác, thơ phản ánh thế giới tâm hồn nhà thơ và thưởng thức cái đẹp của thơ ca không chỉ bằng lí trí mà phải cả xúc cảm trong sự đồng điệu, rung động của dây tơ thẩm mỹ.
Khi Nguyễn Du viết:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”
hay:
“Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”
thì ông đã chủ động mơ hồ hoá tâm trạng, cảnh vật và sự vật.
Cũng như vậy, khi Tố Hữu hỏi:
“Em là ai cô gái hay nàng tiên?
Em có tuổi hay không có tuổi”
hoặc
“Mười chín năm rồi hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa cát bỏng lưng đồi
Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?”.
Ngôn ngữ mơ hồ làm cho nghĩa hình tượng của câu thơ nhòe đi, không còn cụ thể rõ ràng, trở nên đầy ẩn ý khơi gợi. Mỗi tiếng thơ là một con kỳ nhông, đứng chỗ này thì màu xanh, đứng chỗ kia thì màu nâu hoặc vàng úa, bởi vậy thơ là thể loại “ý tại ngôn ngoại”. Chẳng hạn ở bài thơ Hồ Xuân Hương, “trắng, tròn” đều đa nghĩa hàm ẩn; “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” cũng đa nghĩa nội hàm, “lòng son” cũng vậy. Còn có thể tạo khoảng trống trong cú pháp, thể hiện ở các kiểu câu bỏ trống chủ ngữ, hay vị ngữ, bổ ngữ, câu đảo trang, nghi vấn, cảm thán. Trống chủ ngữ trong nhiều câu Kiều là hình thức trần thuật đa chủ thể, đặc biệt là lời nửa trực tiếp. Những câu trống vị ngữ như “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” nói biết bao điều về sự hoang phế, đảo lộn, tang thương của triều đại. Câu đảo trang làm mờ vai trò của chủ ngữ như “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”.
Hoặc khoảng trống về nghĩa trong cấu trúc, mạch lạc, khi đó văn bản như là câu đố để người đọc lý giải, nhiều chỗ bỏ lửng, chỗ rút gọn, chỗ gây huyền niệm, hiểu lầm, chỗ mâu thuẫn, chỗ trần thuật không đáng tin cậy…tạo thành sự đứt đoạn, nhảy vọt. Cụ thể trong trường phái Tượng trưng siêu thực thường chú trọng sự giao hòa các giác quan – thứ thơ siêu cảm giác, liên kết thơ Điên của Hàn Mặc Tử có thể ví như khối hình Rubik: các ô màu thì hỗn loạn trên bề mặt, nhưng tất cả lại châu tuần xung quanh cái trục bí mật náu trong lòng Rubik. Những hình ảnh tán loạn (huyền ảnh) như những mảnh vỡ văng rất xa nhau bởi một nỗi đau thương lớn, tất sẽ lại châu tuần xung quanh chính nỗi đau kia. Từ “thuyền trăng/bến sông trăng” thành “khách đường xa/ở đây sương khói mờ nhân ảnh” (Đây thôn Vĩ Dạ) ta thấy những mảng thơ phản trái nhau, những miền không gian rất xa nhau đã gắn kết vào nhau ngỡ như chẳng có cái lý gì!
Hoặc hình ảnh đồng hiện trong “Đàn ghita của Lorca”: “Giọt nước mắt vầng trăng”, có phải câu ấy được viết theo lối “nghệ thuật sắp đặt” không, mà cứ đơn giản y như đặt hai hình ảnh bên nhau: giọt nước mắt – vầng trăng thế thôi? Giữa chúng chẳng có một quan hệ từ nào. Thì ra, lắm khi, nhà thơ chủ động bỏ quan hệ từ để gia tăng nghĩa cho hình ảnh và lời thơ. Và giờ đây, giữa chúng lại có thể phát sinh nhiều kiểu quan hệ, tạo ra nhiều làn nghĩa: quan hệ đẳng lập, quan hệ song song, quan hệ so sánh, quan hệ sở hữu hay quan hệ đồng nhất ? Người đọc có một thoáng phân vân: vậy ý thực của câu thơ sẽ theo nghĩa nào? Nhưng thoáng ấy sẽ qua nhanh bởi chỉ có câu trả lời duy nhất: nó phải là sự giao thoa và lung linh của tất cả các làn nghĩa ấy.
Câu hỏi đặt ra là khả giải hay bất khả giải phải chăng là vấn đề của tiếp nhận văn học? Tại sao nói chuyện đồng cảm tri âm tri kỷ trong thơ nhưng lại để câu thơ giống như những “vệt đen” bất động trên trang giấy, như một thế giới vô hồn đóng khép mà không thể lý giải đằng sau bề mặt con chữ ấy nó là cái gì? Xưa Nguyễn Khuyến khóc cho bạn cũng là độc giả tri âm của mình:
“Câu thơ viết đắn đo không viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa”
Liệu “bất khả giải” có khiến cho đời sống của tác phẩm phẳng lặng rồi tự kết thúc và sinh mệnh của nhà thơ cũng ngắn ngủi như cái chớp mắt trăm năm của kiếp người? Không, nó mở ra biên độ vô biên cho sự đọc, người đọc thơ và người làm thơ là hoàn toàn bình đẳng, ta có thể nhìn tác phẩm đa dạng nhiều chiều, có thể tùy thuộc vào trải nghiệm cá nhân mà bổ sung lấp đầy khoảng trống, cụ thể hóa những mã hóa trong tác phẩm. Thơ cho phép mở cuộc đối thoại giữa những độc giả, giữa độc giả và tác giả để từ đó câu chữ cựa quậy bước ra khỏi trang giấy sống một cuộc đời của riêng nó!
Thế kỷ XXI – thi ca sẽ tồn tại thế nào nếu “không còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng” (Chế Lan Viên), vòng xoáy kim tiền cuốn phăng con người vào thế giới vô cảm, người ta sẽ chuộng thứ thơ dễ dãi, nhạt nhẽo chăng?
“Khả giải” hay “Bất khả giải” vẫn là vấn đề muôn đời của thi ca nghệ thuật!
Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: 10 định nghĩa thường xuất hiện trong dạng bài lý luận văn học