Người đàn ông Thanh Hóa suốt 30 năm đỡ đẻ miễn phí cho phụ nữ vùng cao

30 năm qua, bất kể nắng mưa, người đàn ông này vẫn miệt mài đi khắp nơi đỡ đẻ miễn phí cho phụ nữ vùng cao Thanh Hóa.

Người đàn ông Thanh Hóa suốt 30 năm đỡ đẻ miễn phí cho phụ nữ vùng cao

30 năm qua, bất kể nắng mưa, người đàn ông này vẫn miệt mài đi khắp nơi đỡ đẻ miễn phí cho phụ nữ vùng cao Thanh Hóa.

Ông Hà Văn Sằng (58 tuổi, trú bản Tân Hương, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) được rất nhiều bà con địa phương yêu mến. Nguyên do là vì ông đã dành suốt 30 năm qua đỡ đẻ miễn phí cho phụ nữ ở vùng cao. Không chỉ vậy, ông còn hay đi tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho nhân dân.

Ngày xưa, gia đình ông rất khó khăn, mới học hết lớp 4 đã phải nghỉ để giúp bố mẹ làm rẫy. Dù không theo học nữa, nhưng ông Sằng thường xuyên được già làng, trưởng bản nhờ đọc, viết các giấy tờ trong những buổi sinh hoạt ở địa phương.

Giữa năm 1987, địa phương có chương trình cử người tham gia khóa đào tạo sơ cấp y tá ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ông được bà con giới thiệu đi học. Lúc đó, ông mới 12 tuổi.

Người đàn ông U60 nhớ lại: "Lúc giới thiệu, bản thân tôi có biết gì về y đâu. Có người còn bảo học y khó lắm. Họ bảo rất cần có y tế thôn, bản để mỗi khi ốm đau, bệnh tật còn có người thăm khám, chữa trị. Thấy bà con đặt niềm tin vào mình, tôi mạnh dạn tham gia với mong muốn sau này sẽ giúp mọi người vơi bớt phần nào khó khăn".

Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa cách nhà ông hơn 100km. 9 tháng tham gia khóa học sơ cấp y tế là khoảng thời gian quá vất vả với ông lúc bấy giờ. Không có phương tiện đi lại, đường sá khó khăn nên mỗi lần đi học, ông đều phải đi bộ. Mỗi chuyến đi, ông không quên cõng theo gạo, cơm nắm ăn dọc đường. Xong khóa học, ông Sằng về bản sinh sống và thăm, khám cho người dân những bệnh thông thường như cảm cúm, đau bụng.

Sau đó, ông bắt đầu chuyển sang làm "bà đỡ" của thôn bản. Ông nhớ lại: "Trong bản có một sản phụ chuyển dạ sinh con vào đêm, giữa tình thế cấp bách, gia đình đến nhờ, tôi lập tức mang dụng cụ y tế đến. 

Lần đầu đỡ đẻ, tôi loay hoay mãi. Tôi phải trấn an và nhớ lại những kiến thức đã học rồi thực hiện theo từng bước. Lúc bấy giờ dụng cụ y tế sơ sài, sau khi bé chào đời, tôi phải dùng thanh nứa để cắt dây rốn, dùng dây gai thắt rốn cho cháu. Khi ca đỡ đẻ thành công, mẹ tròn con vuông, tôi mới thở phào nhẹ nhõm".

Cứ thế, người đàn ông này miệt mài làm công việc này suốt 30 ăm, đỡ đẻ cho gần 100 sản phụ. Đặc biệt, suốt thời gian đó, ông không lấy một đồng tiền công. Ông coi đó là công việc của mình, phải giúp đỡ bà con. Ông bảo, cứ sau mỗi ca đỡ đẻ thành công là ông vui rồi.

Nói về chuyện đỡ đẻ, ông Sằng bảo ông chưa đỡ hỏng cho ai bao giờ, nhưng đỡ cho vợ mình, ông lại làm mất một đứa con. Đó là năm 1996, vợ ông mang thai đứa thứ 5. Hai vợ chồng đang làm trong rẫy thì vợ đau bụng chuyển dạ. Đưa về nhà không kịp, vợ ông sinh con giữa đường. Do không có dụng cụ y tế nên đứa con đã qua đời sau một tháng, do nhiễm trùng cuống rốn.

“Bây giờ đường sá thuận tiện, phụ nữ sinh đẻ có thể đến trạm y tế, bệnh viện, không còn việc đẻ tự nhiên ở nhà nữa, nên công việc của tôi cũng đỡ bận hơn. Dù ở thời điểm nào, cứ có ai gọi là tôi sẵn sàng đến đỡ đẻ ngay.

Công việc hiện tại của tôi bây giờ, ngoài lúc lên nương làm rẫy thì đến từng nhà dân để tư vấn sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, vận động sản phụ tham khảo thêm kiến thức sinh sản… Với mức phụ cấp khoảng 1 triệu đồng/tháng, dù lương thấp nhưng tôi rất thích công việc của mình”, ông Sằng chia sẻ.

Theo Vietnamnet

Xem thêm: Chân dung người đàn ông dũng cảm cứu 2 tài xế vụ tai nạn liên hoàn cầu Phú Mỹ