Có một câu chuyện của người Do Thái như sau: Hai nhà máy nọ được xây dựng cạnh nhau, cùng quy mô, cùng sản xuất may mặc. Thế nhưng, hai ông chủ của hai nhà máy này có cách vận hành hoàn toàn khác nhau.
Một nhà máy do ông chủ người Do Thái quản lý, và người đàn ông này dùng tư duy kinh doanh rất kỳ lạ. Ông đưa ra mức lương cho công nhân cao hơn 20%, điều kiện làm việc cũng khá. OOng thiết lập chế độ khen thưởng công khai, minh bạch, chỉ cần tỷ lệ hàng bị trả lại dưới 10%, những công nhân phụ trách sẽ được thưởng. Chưa kể, công nhân làm việc vượt mức năng suất chung, đồng thời duy trì được chất lượng sản phẩm cũng sẽ được thưởng thêm một khoản khác.
Biết được tư duy này, không ít người trong ngành đều cười thầm, bảo nhau rằng ông chủ Do Thái kia thật quá ngốc nghếch. Đơn cử như ông chủ nhà máy bên cạnh, ông quan trọng lợi nhuận, nghĩ rằng chi phí bỏ ra càng thấp thì lợi nhuận thu về càng nhiều.
Ở nhà máy này không có tiền thưởng mà chỉ có tiền phạt mà hơn nữa các khoản tiền phạt còn rất nhiều. Ví dụ như một bộ quần áo bị trả về vì có lỗi hoặc trong quá trình vận hành, máy móc phát sinh lỗi, công nhân phụ trách sẽ bị trừ lương rất nặng. Không chỉ vậy, phúc lợi của nhà máy này cũng không tốt, chất lượng bữa ăn và nơi nghỉ ngơi của công nhân đều không đạt tiêu chuẩn trung bình.
Vì vậy, chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi thành lập, công nhân ở nhà máy này đã nhiều lần đình công. Hơn nữa, dù chế độ làm việc gắt gao, chất lượng hàng hóa của nhà máy này không những không tốt mà trái lại, tỷ lệ trả lại hàng còn lên đến 60%. Những sự việc này đã khiến nhà máy phải đóng cửa chỉ sau vài năm hoạt động.
Trong khi đó, nhà máy của ông chủ Do Thái ngày càng phát triển. Ông đầu tư nghiên cứu và lập ra quy trình sản xuất chi tiết, với nhiều hạng mục kiểm tra. Tuy khó khăn, nhưng đãi ngộ rất xứng đáng, nên hầu hết công nhân đều chịu khó trụ lại.
Kết quả, sau 1 năm, ông chủ người Do Thái mở nhà máy thứ hai, đến năm thứ ba mở liên tiếp nhà máy thứ ba và nhà máy thứ tư. Mọi quy định về quy trình sản xuất, chế độ lương thưởng được áp dụng từ nhà máy đầu tiên sang tất cả những nhà máy còn lại. Đáng nói, số lượng nhân viên giám sát và kiểm định chất lượng không đổi.
Không biết vì sao có nghịch lý này, báo giới đã tìm đến để phỏng vấn ông chủ này. Vị này lúc đó mới giải thích: "Mọi chi tiết liên quan đến chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ... của công nhân đều phải được công khai và minh bạch. Và đây là cách mà tôi thành công".
Quả thực, mỗi công nhân ở nhà máy người Do Thái đều iết tháng này mình hoàn thành bao nhiêu sản phẩm có chất lượng cao và nhận được bao nhiêu tiền thưởng, nên các công nhân sẽ có động lực tập trung vào công việc của họ. Cùng với đó, ông chủ cũng luôn trả lương, thưởng đúng hạn nên nhân viên luôn yên tâm và cống hiến hết mình cho công việc.
Người Do Thái hiểu rất rõ rằng muốn kiếm được nhiều tiền phải dựa vào sức mạnh của nhiều người, và để có được điều này, họ phải biết cách tạo ra một hệ thống mà mọi nhân viên đều tự nguyện cống hiến. Vì vậy, một trong những tư duy độc đáo của người Do Thái chính là việc biết dựa vào sức mạnh của người khác xây dựng nên thành công của mình. Phải biết hệ thống hóa mọi chi tiết liên quan đến quyền lợi của nhân viên, làm minh bạch hệ thống, như vậy sau khi nhân viên biết lợi ích của họ ở đâu, họ sẵn sàng cống hiến sức mình để giúp bạn làm nên thành công.
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm: Người Do Thái và quan điểm "ngang ngược" làm giàu: Cứ "bay lên" đi, tâm thái điều chỉnh sau được!