Trương Thị Thùy Trang (Hà Nội) và Vũ Thị Ngần (Hải Dương), 24 tuổi, bảo vệ luận văn thạc sĩ hồi cuối tháng 7 tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với điểm tuyệt đối.
Đồng hành từ ngày đại học, đến nay cả hai có 7 công bố trên tạp chí quốc tế ISI, trong đó 6 bài trên tạp chí Q1 - nhóm gồm những tạp chí khoa học uy tín nhất. Riêng giai đoạn học thạc sĩ, mỗi người là tác giả chính của hai bài Q1.
PGS.TS Phạm Tiến Đức, phó trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng là người hướng dẫn, cho hay hai nữ sinh bảo vệ sớm 6 tháng so với chương trình. Số công bố quốc tế cũng nhiều nhất trong các học viên cao học. "Điều quan trọng, các công bố này đều đăng ở những tạp chí uy tín, có ảnh hưởng cao (chỉ số IF 6-8.8)", TS Đức nói.
Ngày đại học, Trang theo học ngành Tiên tiến Hóa, còn Ngần học Hóa Dược ở trường Tự nhiên. Cả hai nói ban đầu chỉ mong hoàn thành chương trình, ra trường đi bán thuốc hoặc làm trong ngành Dược. Tuy nhiên, ngày bước vào phòng thí nghiệm đã thay đổi hướng đi của hai nữ sinh.
"Từ năm thứ hai, sinh viên phải vào phòng nghiên cứu (lab) của trường để thực hành, thực tập các nghiên cứu cơ bản. Mình và Trang cùng một phòng lab nên dần thân với nhau", Ngần nhớ lại.
Khi mới vào, Ngần và Trang được phân công làm việc ở hai dự án khác nhau, nhưng cùng nghiên cứu về vật liệu nanosilica để xử lý nước thải có tồn dư thuốc kháng sinh. Cả hai cảm thấy vừa may mắn, vừa lo âu khi "chân ướt chân ráo" đã được vào nhóm cùng các anh chị khóa trước để làm nghiên cứu, thay vì những công việc vặt hay những thí nghiệm đơn giản như cân đo chất, chuẩn độ...
Tuy rất hào hứng, nhưng thời gian đầu vì chưa quen đôi bạn thân nhiều lần làm hỏng thí nghiệm. Mỗi lần làm xong thí nghiệm, cả hai cẩn thận viết báo cáo gửi cho thầy hướng dẫn nhận xét, chỉ ra điểm đạt và chưa đạt.
Đôi bạn cùng nhau dồn lịch đăng ký tín chỉ học vào 1-2 ngày đầu tuần, tập trung tối đa trong tiết học và xử lý công việc ngay trên lớp, ôn lại vào buổi tối. Ngoài ra, Trang và Ngần cố gắng hoàn thiện các bài tập cá nhân và nhóm nhanh nhất có thể để dành thời gian cho nghiên cứu. Vào những ngày còn lại, cả hai đến phòng lab từ sáng đến tám giờ tối, cả thứ 7, chủ nhật. Vào mùa hè, hai nữ sinh cũng thường trong phòng thí nghiệm.
Khi các kết quả thí nghiệm trở nên rõ ràng, Trang và Ngần được thầy hướng dẫn cách viết báo cáo, chuyển các thuật ngữ chuyên ngành sang tiếng Anh và trình bày bản thảo tương tự công bố quốc tế. Ở khâu này, cả hai không gặp nhiều khó khăn do trau đồi tiếng Anh thường xuyên.
Sau hơn một năm, hai nữ sinh là đồng tác giả công bố quốc tế đầu tiên. Đề tài là biến tính bề mặt vật liệu nanosilica vỏ trấu bằng polyme mang điện thương mại và protein để xử lý kháng sinh. Đến năm cuối đại học, Trang là tác giả chính một công bố quốc tế Q1 về loại bỏ kháng sinh khỏi nước thải bằng nanosilica sau khi biến tính bề mặt bằng polyme mang điện dương tự tổng hợp. Đây cũng là kết quả chính trong khóa luận tốt nghiệp cử nhân của nữ sinh.
Chưa kể, đôi bạn thân còn giành hàng loạt học bổng của trường và doanh nghiệp, giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường, được kết nạp Đảng. Trang tốt nghiệp đại học với điểm trung bình (GPA) 3,55/4, đứng đầu lớp Hóa tiên tiến. Trong khi Ngần là thủ khoa ngành Hóa Dược với GPA 3,66. Cả hai được tuyển thẳng vào chương trình thạc sĩ Hóa học phân tích.
Hiện tại, Ngần gấp rút hoàn thiện hồ sơ để du học tiến sĩ ngành Hóa học tại Nhật Bản với học bổng toàn phần của chính phủ nước này (học bổng MEXT). Còn Trang sẽ làm nghiên cứu sinh ở trong nước. Ngần tâm sự: "Chúng mình sẽ học tập, nghiên cứu nhiều hơn, sau đó làm nghiên cứu viên trong các viện, hay giảng viên để hướng dẫn các em sau này".
Theo VnExpress
Xem thêm: Chân dung nam sinh lớp 11 xuất sắc trúng tuyển khóa nghiên cứu của MIT