Lớn lên trong một gia đình nghèo, mẹ bị bệnh tâm thần, gần 10 năm nay, anh em Nhung được nuôi nấng tới trường nhờ đồng lương công nhân ít ỏi của người cha.
Nhung tâm sự, cha cô là công nhân lâu năm của một xưởng nện trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Cứ vài ba tháng ông lại phải xin nghỉ làm, cả nhà gọi xe của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đến mới chở được mẹ đi khám, nhập viện mấy ngày. Tiền xe, tiền thuốc thang là con số không nhỏ với gia đình em.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, góc học tập, để sách vở của Nhung chỉ ở một góc nhỏ. Em kể, từ năm 9 tuổi đến nay, việc học của em lúc nào cũng bị gián đoạn, ngắt quãng bởi tiếng la hét của mẹ khi phát bệnh. “Những lúc mẹ phát bệnh em phải tới an ủi bằng cách hát hò, làm trò này trò kia cho mẹ vui, dỗ dành, đợi mẹ bình tĩnh lại rồi mới học bài tiếp được”, nữ sinh chia sẻ.
Dù khó khăn là vậy, Nhung vẫn quyết tâm học để bước chân vào cánh cổng đại học, thay đổi số phận của mình. Nhìn cha lam lũ nuôi 4 miệng ăn, mẹ thường xuyên phát bệnh phải đi viện, cô nữ sinh nhỏ bé lại càng quyết tâm học hành để mai sau có công việc ổn định lo cho cha và có tiền điều trị lâu dài cho mẹ.
Ngày hay tin Nhung đậu đại học, cả nhà ai nấy đều vui mừng hạnh phúc. Nhưng nghĩ đến khoản tiền học phí, tiền trọ của con gái trong thời gian tới, ông Châu (cha của Nhung) lại thêm nỗi lo, nỗi trăn trở.
Ông Châu cho hay, trước mắt gia đình chỉ có khả năng cho con gái số tiền ít ỏi để đóng vào ký túc xá và sinh hoạt phí. Nhưng thì đợi ít hôm khi việc học đi vào guồng ổn định và quen đường sá em sẽ kiếm việc làm thêm để đỡ đần cho gia đình. “Trong thời gian học, mình cũng sẽ cố giành học bổng từ trường để nhẹ gánh cho cha”, nữ sinh Củ Chi nói.
Xem thêm: Với đôi tay khiếm khuyết nữ sinh truyền năng lượng tích cực đến mọi người