“Vật báu” ông để lại – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Trong nhà, ông nội đặt ra rất nhiều quy định buộc con cháu phải tuân theo, ông bảo đó là “vật báu” mà ông để lại. Con cháu nhiều lúc thấy ông thật phiền phức, nhưng không vì thế mà ông thay đổi quan điểm của mình.

“Vật báu” ông để lại – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Trong nhà, ông nội đặt ra rất nhiều quy định buộc con cháu phải tuân theo, ông bảo đó là “vật báu” mà ông để lại. Con cháu nhiều lúc thấy ông thật phiền phức, nhưng không vì thế mà ông thay đổi quan điểm của mình.

Có lần, ông nội đi lấy lương hưu, về tới nhà ông liền bấm chuông gọi cháu ra mở cửa. Cháu chạy mướt mồ hôi mà chẳng thấy chìa khóa cửa để đâu, biết ông có mang theo, cháu liền nói vọng ra: “Ông nội có chìa khóa thì tự mở cửa giúp cháu với. hiện cháu đang bận, không có thời gian tìm chìa khóa đâu ạ!”.

Ông nghe vậy, đứng ngoài cổng nói vào: “Không, ông sẽ đứng đây đợi đến khi nào cháu tìm ra chìa khóa mới thôi”.

Phải gần 30 phút sau, cháu mới phát hiện ra chìa khóa để trong túi quần, và cái quần ấy thì đã bỏ vào trong máy giặt.

Sau khi vào nhà được rồi, ông liền gọi cháu tới trước mặt, nghiêm túc phê bình. Ông nói, ông đã ra quy định là mọi người về tới nhà phải treo chìa khóa vào cái móc ở phía sau cửa rồi mà. Cháu không làm theo là đã vi phạm quy định của ông. Lần này ông tha thứ, nhưng nếu lần sau còn tái phạm thì ông sẽ phạt, không cho vào nhà nữa.

Cháu nghe vậy rất ấm ức, thấy ông nội cứng nhắc quá. Nhà chứ đâu phải cơ quan, lúc nào cũng đòi quy cũ. Ai mà chẳng có lúc quên đồ, đâu thể lúc nào cũng nhớ rồi làm đúng hết mọi quy định khó khăn của ông.

Ít lâu sau, ông tự nhiên đưa cho cháu đọc một bài báo, trên đó đưa tin về vụ hỏa hoạn lớn. Cháu đọc tin thì thấy lúc xảy ra cháy, người bên trong rất muốn chạy ra nhưng tìm hoài không thấy khóa cửa. May mà hàng xóm bên ngoài phá cửa giúp, nếu không người trong nhà đã thiệt mạng.

Đợi cháu đọc tin xong, ông liền bảo: “Đó là lý do ông yêu cầu mọi người phải treo chìa khóa phía sau cửa. Không ai có thể biết trước được chuyện gì sẽ đến với mình. Nếu không may nhà có hỏa hoạn, cháu sẽ dễ dàng tìm được khóa cửa để cứu sống mình. Cháu có thể quên nhiều thứ, nhưng đừng bao giờ vứt chìa khóa lung tung, hiểu chưa”.

Nghe ông nói xong, cháu mới thấy tâm phục khẩu phục, cũng từ đó nhớ mãi, không bao giờ quên treo chìa khóa vào sau cửa mỗi khi về nhà.

Ông nội bị tiểu đường, nên đến bữa cơm ông ăn rất ít. Nhưng ông luôn là người đứng lên sau cùng, khi các con, các cháu đã dùng bữa xong. Đó là ông ngồi lại để kịp thời theo dõi hành vi của con cháu trên mâm cơm. Trước tiên, ông quy định vào ăn cơm không ai được bật tivi và mang theo điện thoại. Thứ hai, con cháu vào mâm ăn cơm, trước khi ăn và sau khi đứng dậy phải mời và xin phép. Trong lúc ăn, ông cũng hay hỏi chuyện các cháu, đứa nhỏ thì hỏi chuyện học hành, đứa lớn thì hỏi chuyện công ăn việc làm. Có cháu hma ăn, vừa nhai vừa trả lời liền bị ông “vụt” cho một phát vào tay. Ông nội nghiêm nghị bảo: “Nào nhai nuốt xong thì mới được trả lời người lớn, vừa nhai và nói là bất lịch sự lắm biết không?”.

Các cháu đi học, đi làm cả ngày về tới nhà là cái bụng rỗng tuếch. Trên bàn ăn, bà đã bày sẵn một mâm cơm nóng hổi, ngon lành. Ấy vậy mà đố ai dám bốc bải thức ăn cho vào miệng, bởi kiểu gì cũng sẽ không qua được con mắt của ông. Ông rất ghét kiểu người lớn chưa vào mâm mà con cháu đã bốc ăn nhồm nhoàm. Đứa nào đói lắm, thì xin phép ông sẽ cho ăn cơm trước, nhưng là phải ăn bằng bát, đũa hẳn hoi.

Ông cũng quy định nghiêm ngặt, cháu nào trong một bữa cơm làm rơi ba lần thức ăn ra bàn là sẽ phải đứng dậy, không được ăn cơm nữa. Vì thế, các cháu đều phải hết sức chú ý từ cách gắp, cách nhai sao cho khéo léo, không bị rơi vãi ra ngoài. Ông nội trông vậy mà rất ghê, không có chuyện mủi lòng sợ cháu bị đói mà phá luật.

Và còn rất nhiều quy định khác ông đưa ra, nào là về nhà thì dép guốc phải để gọn gàng, khi đi vệ sinh xong thì phải giật nước, ngủ dậy thì phải gấp chăn, gập màn, tối đến thì phải đi nhẹ nói khẽ kẻo làm ảnh hưởng tới hàng xóm…

Dù có hơi phiền hà nhưng cả nhà phải công nhận là ông không sai, nhờ những quy định nghiêm khắc ấy của ông mà con cháu trong nhà rèn giũa được ăn nết ở. Đúng như ông nói, đó là “vật báu” mà ông tặng để các cháu xây dựng cuộc sống riêng sau này.

Xem thêm: Chân lý kinh điển rút ra từ câu chuyện "ông lão ăn mày và đại gia Rolls Royce"