Sự hy sinh của mẹ - Câu chuyện nhân văn cảm động

Nhìn thấy cử chỉ âu yếm mẹ dành cho bố, chúng tôi thầm nể phục sự hy sinh của mẹ. Nhờ có mẹ mà chúng tôi được khôn lớn trưởng thành trong tình yêu thương.

Sự hy sinh của mẹ - Câu chuyện nhân văn cảm động

Nhìn thấy cử chỉ âu yếm mẹ dành cho bố, chúng tôi thầm nể phục sự hy sinh của mẹ. Nhờ có mẹ mà chúng tôi được khôn lớn trưởng thành trong tình yêu thương.

Hơn 70 tuổi, mẹ tôi vẫn ngồi cần mẫn đan nón. Mặc dù có lương hưu nhưng mẹ vẫn làm việc để đỡ buồn chân tay, phần cũng muốn có thêm thu nhập để phụ giúp con cháu. Mẹ vừa khâu nón, vừa mỉm cười, nhưng dù có cười to, ánh mắt mẹ vẫn hiện hữu một nỗi buồn sâu thẳm.

Tôi vẫn nhớ rõ ngày đầu tiên bố bị bệnh là lúc tôi đang học lớp 1. Mọi người trong nhà hốt hoảng đưa bố đi viện bằng xe ba gác, còn tôi bé nhất nên ở lại trông nhà. Sợ bố không qua khỏi, tôi nước mắt lưng tròng, bắc ghế với lên ban thờ các cụ, thắp nén nhang cầu mong bố nhanh khỏi bệnh. Vậy mà cũng 30 năm có lẻ trôi qua rồi…

Tôi sinh ra trong một gia đình có bố làm bộ đội, mẹ làm giáo viên. Nhà tôi tuy đông anh em nhưng vì là con út nên tôi luôn được mọi người chiều chuộng. Gia đình tôi lúc nào cũng rộn tiếng cười. Ấy vậy mà chỉ trong một đêm, cái không khí ấm áp ấy chẳng còn nữa, thay vào đó là những cơ cực, khiến người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối như mẹ tôi phải gồng mình đứng dậy lo toan. Bố tôi bị tai biến, nằm liệt giường ở viện. Ngoài giờ dạy học, mẹ phải tranh thủ lên chăm bố. Bốn 4 em tôi ở nhà tự trông nhau, chưa phụ giúp được gì, chỉ biết cầu mong cho bố mau khỏi bệnh. Những lúc tranh thủ được về nhà, mẹ chỉ kịp nấu cho chúng tôi bữa cơm “tươi” có thịt, rồi lại vội quay đi.

Ông bà nội tôi mất sớm, bác gái lấy chồng tít trong Nam, kinh tế khó khăn nên 20 năm rồi chưa về thăm quê lấy một lần. Nhà khó khăn, lại thêm con nhỏ, neo người, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai mẹ.

Những năm bố ốm, một mình mẹ xoay sở thuốc thang, nhiều lần bệnh viện trả về, bố khuyên mẹ nên chấp nhận số phận. Nhưng mẹ kiên quyết bảo “còn người, còn của”. Nhà có gì mẹ cũng bán hết để lấy tiền thuốc men cho bố. Là giáo viên, mẹ xin dạy dồn tiết, dạy xong lại đạp xe hơn 30km đến bệnh viện chăm chồng. Anh chị tôi lớn hơn thi thoảng đi học về cũng tranh thủ chăm bố đỡ đần mẹ. Những lúc đó mẹ lại đi bắt cua, bắt rắn, làm kem… bán lấy tiền xoay xở thuốc men cho bố và nuôi chúng tôi. Có những lúc hàng xóm hay bạn bè đến chơi, nhìn vào căn nhà đơn sơ không có lấy một món đồ giá trị, người chồng ốm đau và 4 đứa con đang tuổi ăn học, ai cũng lắc đầu. Có người còn khuyên mẹ tôi từ bỏ để bắt đầu cuộc sống mới cho đỡ vất vả. Những lúc đó, mẹ thường ôm chúng tôi vào lòng, nắm chặt tay bố mà khóc rồi tự hứa: “Không bao giờ mẹ làm thế đâu các con ạ!”.

Mấy chục năm trước, y học chưa phát triển, căn bệnh liệt dây thần kinh trung ương của bố khiến các y bác sĩ đều bó tay. Bố cứ vậy, lúc mê, lúc tỉnh, thậm chí có những lúc bố không nhận ra mình là ai, đuổi vợ, đánh con. Rồi có thời gian bố nằm liệt cả tháng trời, mẹ lại phải nâng giấc, vệ sinh cá nhân để người bố luôn sạch sẽ. Những lúc đó, mẹ hay nói với chúng tôi rằng, các con đừng chấp, phải thương, phải trò chuyện với bố để bố nhanh khỏe nhé.

Đưa bố về nhà chăm sóc, mẹ cũng đỡ phải đi lại vất vả hơn vì không phải đi lại xa xôi nữa. Những đêm dài thao thức không ngủ, chăm chồng, mẹ gầy sọp đi, mắt thâm quầng. Nhưng mẹ không một lời oán trách, chỉ thương chúng tôi thiệt thòi, thiếu thốn. Những lúc nhìn thấy con nhà hàng xóm được bố dẫn đi chơi, mẹ lại ôm tôi – đứa con út vào lòng như để nói rằng: Mẹ sẽ thay cha chăm sóc các con.

Trước kia, còn nhỏ chưa hiểu chuyện, đã có lúc tôi còn nghĩ nếu bố mất đi thì có lẽ mẹ sẽ đỡ vất hơn. Nhưng lớn hơn, nhìn thấy những lúc mẹ đau khổ khi tưởng bố không qua khỏi, tôi lại sợ cái suy nghĩ ngu dại của mình xảy ra. Nhiều lúc tôi hỏi vì sao mẹ lấy bố, mẹ lại mỉm cười nói: “Ngày trước, mẹ cũng có nhiều người tán tỉnh lắm đấy, nhưng bà ngoại thường bảo bố con nghèo nên sẽ thương, sẽ biết trân trọng mẹ. Ngẫm cho cùng là cái duyên, cái số thôi con”.

30 năm chăm chồng ốm, mẹ vẫn còn nhớ như in chuyện 12 lần đặt áo quan sẵn chuẩn bị cho bố. Có lúc thì vào mùa nóng, có khi lại vào mùa đông giá rét. Đặc biệt, có lần 30 tết, ai nấy đều tưởng bố hấp hối ra đi luôn nên hàng xóm láng giềng đến quanh nhà, người lo đặt áo quan, người căng bạt… Nhưng ông trời thương, bố lại tỉnh.

Nhà tôi có 4 anh chị em, thì có tới 3 người phải cưới chạy tang, vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bố mất, phải hoãn đám cưới. Những lúc dựng vợ, gả chồng cho con xong, mẹ lại vào thì thầm với bố rằng, các con đã lớn khôn, nay là ngày vui mà sao ông không tỉnh lại? Giọt nước mắt, nỗi buồn, niềm vui cứ vậy xen lẫn. Buồn vì chồng vẫn nằm đó suốt mấy chục năm nay, vui vì các con đã khôn lớn, xây dựng tổ ấm cho mình. Năm tháng qua đi, nhờ vào tình thương bao la của người vợ đảm, sự hy sinh chăm sóc của mẹ, mà bố tôi đã dần dần ổn định sức khỏe, ai cũng bảo như một phép màu kỳ diệu.

Năm nay bố tôi đã 75 tuổi, còn mẹ 73 tuổi. Mặc dù bố không khỏe mạnh như người ta, nhưng vẫn có thể đi lại, trò chuyện với mọi người và quan trọng như mẹ tôi hay nói: “Bố vẫn là cái bóng, dù không là chỗ dựa, nhưng vẫn là người hiểu những gì mẹ tâm sự, là nơi mà khi đi mẹ lại muốn về”.

Mỗi lúc nhắc tới chuyện xưa, mẹ thường bảo yêu với bố rằng: “Ông là cái nợ mà tôi chưa trả xong trên đời này”. Bố tôi vốn ít nói, chỉ nhìn mẹ tủm tỉm cười. Nhưng hơn ai hết, bố biết tính mạng mình có được là nhờ sự hy sinh, chăm sóc của người vợ. Tay bố run run vì mắc bệnh Parkinson do dùng nhiều thuốc, không cầm được bát cơm lên. Mỗi bữa ăn, mẹ tôi lại nhẹ nhàng bón những miếng cơm, miếng cháo cho bố. Nhìn thấy cử chỉ âu yếm ấy, chúng tôi thầm nể phục sự hy sinh của mẹ.

Giờ đây, khi chúng tôi đã khôn lớn, cũng có cuộc sống khá giả, muốn đón bố mẹ ở cùng, nhưng mẹ không đồng ý, bà nói rằng: “Con chăm cha, không bằng bà chăm ông”. Hai bố mẹ tôi vẫn sớm tối có nhau, tình yêu của mẹ chính là thước đo cho lòng nhân ái của một người phụ nữ Việt.

Xem thêm: Con sợ mất danh dự vì cha mẹ già ly hôn – Câu chuyện đáng suy ngẫm