Dự án gạch từ rác thải nhựa do 4 sinh viên gồm Nguyễn Thái Nguyên, Đặng Chí Hào, Lý Kim Lin, Huỳnh Thị Diễm Phương thực hiện.
Theo Kim Lin chia sẻ, nguyên liệu làm gạch là từ xi măng, tro bay, tro trấu, cát biển (không còn độ mặn và không lẫn tạp chất), đá bi bụi, bi sàn và các loại nhựa. Các nguyên liệu này sẽ được trộn với nhau theo tỷ lệ phù hợp cho đến khi đạt độ nhuyễn và dẻo phù hợp.
Tạo khuôn là công đoạn đầu tiên để làm gạch. Tiếp đến sẽ cho hỗn hợp nguyên liệu lấp đầy khuôn. Sau đó sẽ sử dụng máy ép thủy lực nén chặt để loại bỏ không khí và tạo hình, rồi đem phơi dưới nắng từ 5 - 7 ngày. Gạch từ rác thải nhựa có độ bền cao, chống thấm, chống cháy và có khả năng cách nhiệt tốt.
"Mục tiêu của nhóm là biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cung cấp cho thị trường một loại gạch thân thiện với môi trường, khai thác giá trị kinh tế từ chất thải nhựa, tạo cơ hội kinh doanh mới và công việc cho người lao động", Kim Lin chia sẻ về mục tiêu dự án của nhóm.
Thành viên của nhóm nghiên cứu, Thái Nguyên cũng chia sẻ thêm về sản phẩm: “Gạch từ rác thải nhựa không chỉ giúp làm giảm lượng nhựa thải ra môi trường, mà quá trình sản xuất tốn cũng ít năng lượng hơn so với sản xuất gạch truyền thống, giảm lượng CO2 phát thải. Nếu dự án này được đưa vào hoạt động sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương bằng cách tạo việc làm cho cộng đồng qua quy trình thu gom và tái chế nhựa. Thông qua đó, chúng em cũng muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc tái chế và bảo vệ môi trường”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Trường ĐH Trà Vinh), cho biết sản phẩm đã được đưa đi kiểm định chất lượng. Với ý tưởng sáng tạo thú vị này, nhóm 4 sinh viên nói trên đoạt giải 3 trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên Trường ĐH Trà Vinh năm 2024.
"Gạch làm từ chất thải nhựa là một ý tưởng sáng tạo và đầy tiềm năng. Bằng cách tái chế nhựa phế thải thành gạch, dự án của các bạn sinh viên không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra một sản phẩm xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường . Sản phẩm này có khả năng cách nhiệt, chống thấm và chống cháy tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vật liệu xanh. Hơn nữa, dự án còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế và bảo vệ môi trường. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn", thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An nhận xét.
Xem thêm: Ấm lòng nhóm học sinh Hà Nội gom rác bảo vệ môi trường