Tôi bước chân vào nhà chồng khi đang mang bầu 3 tháng. Mặc dù trước đó tôi đã nói rõ với chồng rằng mình không muốn sống chung, nhưng khi “ván đã đóng thuyền”, tôi không còn quyền được yêu cầu nữa. Chồng tôi bảo ở chung một thời gian, đến khi tôi sinh xong hai vợ chồng sẽ ra riêng. Nhưng rồi anh cứ chần chừ mãi, không chịu thực hiện. Mỗi lần tôi nhắc đến anh đều lảng tránh, bảo từ từ rồi tính.
Thời gian mang bầu tôi ăn mặc khá đơn giản cho thoải mái. Nhưng sau sinh, tôi bắt đầu đi làm và lấy lại được vóc dáng nên việc ăn mặc cũng trở nên thời trang, phóng khoáng hơn. Là người tự tin, hiện đại lại làm việc trong môi trường nhiều người trẻ nên tôi cũng thoải mái chưng viện những chiếc váy ngắn đi làm.
Lần đầu tiên diện chiếc váy ấy, tôi đã bị bà nội chồng soi xét, khó chịu ra mặt: “Váy của cháu ngắn quá, lần sau đừng mặc thế nữa. Nhà mình là gia đình gia giáo, ai cũng nghiêm túc, không ăn mặc lố lăng vậy được”. Tôi thấy chiếc váy rất bình thường không hiểu sao bà nội lại dùng từ “lố lăng”.
Dù bị nhắc nhở nhưng tôi vẫn quyết không thay đổi phong cách. Hôm thì tôi mặc quần đùi, đi tất, đi bốt, hôm thì lại mặc quần bò ôm. Mỗi lần thấy tôi ăn mặc thế là mẹ chồng lại gào lên như thế có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra.
Vài tuần sau đó, bố mẹ chồng tổ chức cuộc họp gia đình về chuyện ăn mặc của tôi. Dù rất bất bình nhưng tôi vẫn ngồi nghe hết câu chuyện. Cuộc họp xoay quanh việc tôi ăn mặc lố lăng, thiếu văn hóa trong khi nhà chồng luôn đề cao lễ giáo gia phong. Mẹ chồng còn nhấn mạnh rằng hàng xóm láng giềng ai cũng chê con dâu của bà, bàn tán đủ điều, bảo không được đứng đắn.
Mọi người trong nhà chồng ai cũng dựa vào cách ăn mặc để đánh giá phẩm hạnh của một người. Tôi không thể chịu đựng được nữa, đứng dậy nói: “Con xin phép bà, xin phép bố mẹ nhưng đó là phong cách của con. Chiếc váy ngắn không thể đánh giá được phẩm chất của con người. Vả lại con đi làm ở công ty, nên nói là váy ngắn thì nó cũng chỉ ở mức bình thường, không có gì quá lố lăng ở đây cả. Con về nhà mình làm dâu bao lâu nay, tính cách con thế nào chắc mọi người đã biết. Vả lại, chúng con là người trẻ, khác với thế hệ của bà, của bố mẹ nhiều lắm. Con mong mọi người đừng vì những lời gièm pha mà đánh giá không đúng về con”.
Bà nội chồng nghe vậy thì một mực bảo tôi thay đổi phong cách, chỉ cần ăn mặc kín đáo hơn sẽ chẳng ai bảo gì nữa. Thấy mọi người trong như vậy, ban đầu chồng tôi không nói gì, nhưng dần dần cũng bóng gió nói tôi nên hiểu ý người lớn hơn. Vì chuyện này mà không ít lần vợ chồng lớn tiếng với nhau.
Tôi thấy mệt mỏi vì bị áp đặt và thấy mình không còn là chính mình khi phải sống quá nhiều trong khuôn khổ mà gia đình chồng đặt ra.
Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, tôi đề nghị chồng dọn ra ở riêng. Điều này làm cả nhà chồng bất ngờ và có phần phẫn nộ nhưng tôi mặc kệ, tôi không thể từ bỏ nguyên tắc của bản thân chỉ để hòa nhập vào những quy tắc vô lý như vậy. Tôi muốn được là chính mình, muốn được tự tin, ngay cả khi điều đó khiến gia đình chồng không hài lòng.
Tôi cho chồng 3 tháng để suy nghĩ, trong thời gian đó tôi cũng sẽ tìm nhà thuê. Nếu anh không chấp nhận thì tức là anh đã từ bỏ cuộc hôn nhân này.
Xem thêm: Chuyển lớp cho con – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm