Những ngày cuối năm mẹ nhất quyết đòi được cùng ba trở về nhà của ông bà. Đó là căn nhà cũ nằm ở vùng ven, nơi ba mẹ sinh sống cả đời với rất nhiều kỷ niệm.
Tôi biết càng lớn tuổi người ta càng nhớ thương về quá khứ, nhưng tôi quá bận, ba lại vừa mới trải qua những ngày dài điều trị, hiện ông vẫn cần sự hỗ trợ của người thân và ngồi xe lăn.
Tôi đón ba mẹ lên ở nhà tôi vì để ba mẹ một mình ở quê tôi không yên tâm. Nhà tôi gần bệnh viện nên khá tiện trong việc chăm sóc ba. Nhưng bà vừa tạm ổn thì mẹ một mực đòi đưa ông về quê ăn tết. Cũng may vợ chồng người cháu sống gần nhà đã lên tiếng hứa hẹn: “Chú thím cứ để nội về đi, có vợ chồng cháu ở cạnh trông nom qua lại rồi”.
Vậy là đôi đành đưa ba mẹ về căn nhà cũ. Cháu tôi rất hiếu thuận với ông bà nội nên vợ chồng tôi cũng yên tâm đôi chút.
Ngày nào điện về tôi cũng nghe giọng mẹ hồ hởi, vui vẻ lắm. Bà kể chuyện ba đang khá lên từng ngày, rồi chuyện bác Năm muối dưa kiệu nhiều lắm còn có cả phần của chúng tôi, rồi đến chuyện mấy đứa cháu sên mứt dừa cả trưa không ngủ,… Tôi nghe cứ dạ dạ theo, nhưng phải dặn đi dặn lại mẹ: “Tụi con sắm tết hết rồi, cuối tuần sẽ mang về, ba mẹ đừng có mua sắm gì hết, mẹ chỉ cần chăm ba thôi”. Mẹ nghe xong thì ờ ở nói biết rồi, lắm lúc còn gắt gỏng lên: “Bây nói chi mà nói hoài cái việc đương nhiên vậy”. Nhưng tôi lo lắm, biết tính mẹ là người tham công tiếc việc, lại hay lo xa nên dù chu toàn đến mấy mẹ vẫn lo tết thiếu món này món kia.
Cuối tuần, chừng 10 giờ sáng vợ chồng tôi mới chạy xe về đến nhà. Tôi mường tượng ra khung cảnh mẹ sẽ để ba ngồi ở hiên nhà rồi tất bật làm đủ thứ chuyện. Nhưng bước vào cổng tôi ngỡ ngàng khi thấy hiên nhà đông vui, nhộn nhịp, nói cười rôm rả lắm. Ông Sáu, bác Năm, thím Tư,… rồi thêm cả mấy đứa nhỏ loanh quanh bên bếp lửa cạnh đấy. Mấy chậu cúc vàng rực rỡ trong nắng xuân, cây mai ngoài sân cũng sắp bung nụ. Trong khi các ông thư thả uống trà, các bà các thím lại vừa nói chuyện vừa thong thả nhặt rau cho bữa trưa. Giữa những câu chuyện rổn rảng, ba tôi ngồi trên xe lăn, nở nụ cười thảnh thơi, hạnh phúc.
“Bây giờ ở phố nghĩ người quê vẫn cực với tết như xưa hay sao? Không, già rồi, bày ra nhiều vừa mệt mình, còn bị con cháu mắng mỏ nữa. Bánh trái, cá thịt con cháu nhận đặt hết rồi, đám bạn già này chỉ cần bày bàn trà vui thôi…”, tiếng ông Sáu rổn rảng đáp lại sự ngạc nhiên của tôi.
Tôi không nghĩ ba mẹ và các ông bà ở quê đã nghĩ thoáng như thế. Tết là để sum vầy, để vui. Quanh năm món gì cũng có, đâu nhất thiết cứ phải dồn vào tết. Người già bây giờ thiếu chỉ có niềm vui, sự sẻ chia mà thôi. Vậy là hiên nhà ba mẹ tôi thành nơi ông bà thích gì thì bày đó, tụ họp chuyện trò với nhau.
Nhìn khung cảnh bình yên ấy tôi bỗng hiểu ra, người già cần nhất chính là không khí thân quen nơi chôn rau cắt rốn, được ôn chuyện xưa, được nhẩn nha sẻ chia chuyện rườm rà,… Khoảng sân nhỏ, mái hiên nhỏ nhà ba mẹ cứ vậy bừng lên trong nắng tháng chạp.
Xem thêm: Cây quất Tết của chàng rể nghèo – Câu chuyện nhân văn cảm động