Người cựu chiến binh đó là ông Vương Khả Sơn. Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống yêu nước, năm 1971 khi chưa đầy 18 tuổi, chàng thanh niên quê nghèo đã lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trải qua không biết bao nhiêu trận đánh, hai lần bị thương nặng tưởng chừng cái chết cận kề nhưng ông Sơn vẫn may mắn được trở về quê hương sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Dẫu vậy, những vết thương trên cơ thể, những di chứng của chiến tranh vẫn còn đấy, mỗi khi trái gió trở trời, cơn đau lại hoành hành. Sau khi giải ngủ, người lính trận lại tiếp tục vừa học vừa làm để hoàn thành cấp THPT, sau đó thi đậu vào Khoa Văn trường Đại học Sư Phạm Vinh.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông Sơn xin về công tác tại trường THPT Đồng Lộc trong tỉnh. Với đồng lương ít ỏi, ông đã vun vén chăm lo cho gia đình với 7 miệng ăn gồm 1 mẹ già, 4 con nhỏ và người vợ thường xuyên đau ốm vì bệnh viêm cầu thận, suy tim. Dẫu khó khăn là vậy, mỗi tháng vị cựu chiến binh ấy vẫn trích ra một phần tiền lương để đi thăm viếng, giúp đỡ những đồng đội khó khăn.
Trong quá trình công tác, với tâm niệm ghi lại ký ức về một thời binh lửa của mình cùng đồng đội, ông Sơn đã bắt tay viết hồi ký “Ký ức chiến tranh”. Cuốn hồi ký này của ông đã được NXB Thanh Niên phát hành và đưa vào "Tủ sách Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi Hai mươi". Toàn bộ số tiền nhuận bút nhận được ông đều dành để gửi tặng cho bạn bè đồng đội của mình, những người không may bị thất lạc giấy tờ, không làm được chế độ thương bệnh binh.
Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu tìm cách kết nối với những đồng đội ở các tỉnh khác. Nghe tin ở đâu có đồng đội cùng chiến đấu với mình năm xưa ông cũng đều tìm đến thăm hỏi, động viên. Trong quá trình thăm viếng vị cựu chiến binh này đã gặp rất nhiều trường hợp éo le, nghiệt ngã, người thì mất hết giấy tờ không được hưởng chế độ thương binh, người bị ung thư, người thì có con ngây dại vì nhiễm chất độc da cam từ bố mẹ, người đau ốm triền miên…
Như trường hợp của ông Chu Văn Lương 3 lần bị thương nhưng thất lạc giấy tờ, khi được ông Sơn thăm hỏi, ông Lương ngậm ngùi tâm sự: "Chỉ cần tôi được công nhận là thương binh và phụ cấp cho mỗi tháng một triệu đồng để uống thuốc thôi thì tôi cũng mãn nguyện lắm rồi...". Nghe đồng đội nói vậy, ông Sơn không cầm lòng được nên đã gom góp những khoản tiền có được, mua vé máy bay cùng bạn trở lại các đơn vị cũ để tìm lại hồ sơ. Rong ruổi gần cả tháng trời nhưng vẫn không được, vì đơn vị cũng không còn giữ được hồ sơ gần 50 năm sau chiến tranh.
Nhìn đồng đội sức khỏe ngày một suy kiệt, kinh tế túng quẫn khó khăn, vị cựu chiến binh này đã kêu gọi bạn bè, cộng đồng mạng hỗ trợ tiền để đưa bạn đi chữa bệnh và âm thầm lập quỹ "Tình thương" cá nhân để khi nào đồng đội cần thì giúp đỡ kịp thời. Hiện tại, quỹ "Tình thương" của ông Sơn vẫn luôn duy trì số tiền từ 20 - 30 triệu đồng để hỗ trợ những đồng đội kém may mắn và các hoàn cảnh dân thường khác ốm đau, khó khăn đột xuất.
"Tuy còn vất vả nhưng dù sao hoàn cảnh tôi cũng vẫn đỡ hơn các đồng đội. Tôi không thể yên lòng khi nhìn các đồng đội mình thiếu thốn và đau khổ được. Tôi xem những việc mình làm cho đồng đội như là một mệnh lệnh từ trái tim...", ông Sơn bày tỏ.
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, người phụ nữ dốc hết lòng giúp đỡ người khó khăn