Chân dung vị giáo sư nhiều lần góp tiền tỷ làm từ thiện

Nói về hoạt động thiện nguyện của mình, giáo sư Lê Ngọc Thạch chia sẻ: “Sự đóng góp của tôi là bổn phận của một công dân và tôi học thầy tôi thôi”.

Chân dung vị giáo sư nhiều lần góp tiền tỷ làm từ thiện

Nói về hoạt động thiện nguyện của mình, giáo sư Lê Ngọc Thạch chia sẻ: “Sự đóng góp của tôi là bổn phận của một công dân và tôi học thầy tôi thôi”.

Trước khi nghỉ hưu, GS.TS Lê Ngọc Thạch đảm nhận vị trí quản lý và giảng dạy ở khoa hóa học, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Hiện thầy đang là giảng viên thỉnh giảng của trường.

Hơn 10 năm qua, giáo sư Lê Ngọc Thạch đã nhiều lần đóng góp cho hoạt động xã hội, giải thưởng khoa học,... với số tiền lên đến cả chục tỷ đồng. Những người được thầy Thạch giúp đỡ hiện lên đến cả trăm nên thầy không nhớ hết được. Nhưng cũng có vài trường hợp đặc biệt khiến thầy ấn tượng sâu sắc.

“Năm 2016, tôi đọc bài báo về bé Lò Thị Pó (6 tuổi, ở xã Mường Sại, tỉnh Sơn La) con của người phụ nữ mất nhưng vì không có tiền nên người thân phải bó chiếu rồi dùng xe máy chở về nhà. Trước đó bố và em của Pó mất vì tai nạn, nên cô bé phải nương tựa vào ông ngoại đã già và hai người cậu mắc bệnh thần kinh. Từ đó đến nay tháng nào tôi cũng đều đặn gửi 500.000 đồng giúp em ấy”, thầy Thạch kể lại.

Vị giáo sư 76 tuổi cho rằng làm thiện nguyện cũng có cái duyên. “Máu làm thiện nguyện của tôi có từ thời còn bé, rồi dần dần trở thành bản tánh luôn tới bây giờ. Tôi không phải đại gia. Tiền làm từ thiện là nhờ đi dạy, làm nghiên cứu, viết sách,... rồi gom góp lại. Gom góp được một khoản là tôi lại mang đi tặng, đóng góp cho các hoạt động cộng đồng. Tôi không kinh doanh, tiền không nhiều nên những năm gần đây tôi tập trung chủ yếu để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học thông qua việc đóng góp cho các giải thưởng, quỹ học bổng,...”, thầy Thạch chia sẻ.

Năm 2017, GS.TS Lê Ngọc Thạch khởi xướng thành lập Giải thưởng Lê Văn Thới tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Giải thưởng nhằm tưởng nhớ đến công lao và đạo đức của GS Lê Văn Thới (người thầy mà ông luôn tôn kính) với số vốn ban đầu là 1,5 tỷ đồng do thầy Thạch đóng góp. Từ khi thành lập đến nay, giải thưởng đã góp phần hỗ trợ, bồi dưỡng, khuyến khích các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đạt kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc. Lần xét chọn và trao giải đầu tiên vào tháng 10-2017, có 3 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được nhận giải thưởng với 3 mức trị giá 20, 25, 30 triệu đồng. Từ đó đến nay, mỗi năm nhà trường đều trao giải thưởng này cho các cá nhân xuất sắc.

Ngoài đóng cho khoa học, thầy Thạch còn là thành viên tích cực, luôn đứng ra tổ chức cấp học bổng cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trao tặng những đầu sách khoa học chuyên ngành hóa học hữu cơ do ông dày công nghiên cứu cho Thư viện trung tâm ĐH Quốc gia TP.HCM.

Vị giáo sự này còn thường xuyên có mặt tại quán cơm 2000 để giúp đỡ phục vụ suất ăn cho người nghèo.

Không ít người thắc mắc việc ông giáo già ủng hộ hết tiền tiết kiệm rồi sau này về già lại không có tiền dưỡng già, thầy Thạch nở nụ cười hiền lành giải thích: "Tánh tôi từ đó đến nay rất thích làm thiện nguyện, được đóng góp giúp đỡ người khác, tôi cảm thấy rất vui vì đúng sở thích, ý nguyện của mình.  Là thầy giáo, tôi đóng góp cho sự phát triển đào tạo, nghiên cứu là đúng nên có tiền là tôi góp. Tôi không thấy áp lực gì trong chuyện này cả. Hiện tôi sống một mình nên không phải chi tiêu nhiều. Hai người con trai của tôi ở nước ngoài cũng ổn định và luôn ủng hộ cha làm thiện nguyện. Lâu lâu gọi về hỏi ba còn tiền không...".

Xem thêm: “Chòi tạp hóa 0 đồng” lan tỏa tinh thần thiện nguyện