Con nhớ, thời đi học mẫu giáo chỉ có duy nhất một lần ba không phải người đếm sớm nhất. Hôm đó trời mưa, ba chạy nhanh quá không kịp tránh chiếc xe tải bất ngờ quẹo cua, thế là thắng gấp khiến chiếc Cub lết đi mấy chục mét, ba ngã nằm dài dưới gầm xe tải. May mà trời thương, ba không sao hết. Rồi ba lồm cồm bật dậy, dựng xe lên chạy bon bon đến trường, hối hả xin lỗi con. Con làm thinh, nhìn chằm chằm mặt ba, chợt nói: “Sao trán ba lại có máu?”.
Năm con vào tiểu học, vẫn chiếc xe Cub ấy, ba chở con đến trường. Hễ tới cổng, con lại dặn: “Ba cứ đứng đây chờ con nghe, khi nào con vô lớp rồi ba hãy về nghen, ba!”. Ba cười: “Ừ, ba biết rồi, đừng lo!”.
Con đi qua sân, đến tận hành lang phòng học vẫn quay ra dáo dác ngó xem ba còn đứng hay không. Ba đứng nhìn cái lưng nhỏ xíu của con lẫn trong đám học trò, cố giơ tay thật con cho con thấy, đợi đến khi còn vào lớp mới chạy vội cho kịp giờ dạy.
Năm con vào cấp 2, trường lại xa thêm chút nữa, chiếc Cub cà tàng uống xăng như uống nước, tuần nào ba cũng phải đem đến tiệm sửa tận hai ba lần. Sáng nào con với ba cũng phải thức dậy sớm, dắt xe ra đầu hẻm, đạp cho nó nổ máy, phun khói đen mù mịt một lúc mới chịu chạy êm. Ba không còn là người đón cơn sớm nhất nữa, thậm chí có hôm rất trễ vì con xe dở chứng hôm xì vỏ, hôm lại nghẹ xăng.
Một lần, mưa rất to, phố xá chìm trong biển nước. Con xe Cub ướt bugi, chết máy giữa đường. Ba xuống xe, dặn: "Con cứ mặc áo mưa, ngồi trên xe để ba dẫn qua chỗ ngập". Ba lội bì bõm trong nước, đẩy xe len trong dòng người cũng đang vật vã với cảnh nước ngập đến đùi. Thấy vậy con nhảy xuống đẩy xe với ba. Về tới nhà ba và con ướt mem, vậy mà vẫn nhìn nhau cười lớn.
Năm con vào cấp 3, trường xa lắm, mỗi ngày hai lượt đi về cũng phải hơn 20 cây số. Chiếc Cub ba đem bán cho đồng nát rồi mua lại một chiếc Dream mới để đưa đón con đi học mỗi ngày. Con ngồi sau lưng ba nói đủ chuyện trên đời, chuyện nhà, chuyện trường, chuyện thầy cô bè bạn,… có khi xe đã đến cổng trường mà chuyện còn chưa dứt.
Ngày con thi đại học, ba chở con đến trường rất sớm rồi chờ ngoài cổng. Vừa thấy con rời khỏi phòng thi, ba chạy sang hàng nước mía mua một ly rồi vội vã đưa con: “Uống đi con! Cho khỏe rồi về! Con thi thế nào rồi?". Con cầm ly nước mía, ngó ba, chớp mắt mấy cái như bối rối: "Chắc cũng được á ba”. Nghe vậy ba mỉm cười hỏi: "Đâu, đưa đề ba coi!". Con cười, lấy đề đưa cho ba. Ba cắm cúi đọc, toàn số và hình, công thức và đồ thị, chẳng biết ất giáp gì. Nhưng thôi, cứ lướt qua cho yên tâm.
Con đi học xa, vậy mà thỉnh thoảng, trong giấc ngủ, ba vẫn hay choàng tỉnh, hoảng hốt vì nghĩ mình trễ giờ đưa con đi học. Biết ở thành phố con cần có xe đi học, nhưng vì lo tình hình giao thông phức tạp, lỡ có bề nào… nên ba cứ chần chừ mãi. Nhưng cuối cùng cũng phải bấm bụng đem chiếc Dream lên Sài Gòn cho con đỡ chân. Căn nhà chật chội vì thường khi có chiếc xe dựng chiếm chỗ, giờ bỗng rộng mênh mông. Đi qua đi lại cứ thấy thiêu thiếu một cái gì!
Con ra trường rồi ở lại Sài Gòn làm việc. Ba đi thăm con, đang đứng chờ ở cổng bến xe Miền Tây thì nghe con gọi. Con chạy chiếc Dream ba cho, tới nơi con liền với tay xách túi đồ, nói: "Lên xe đi ba! Con chở ba về". Ba ngồi sau lưng con, đi qua chằng chịt phố xá, xe chen xe, người chen người, hoa cả mắt.
Con vừa chạy xe vừa nói không ngớt miệng: "Ở đây người ta chạy nhanh lắm, không giống ở quê mình đâu ba!", "Chỗ này có quán ăn miền Tây nè ba!", "Mình vừa qua Đầm Sen đó ba"... Ba ngồi im nghe con nói, tiếng nói không còn vang lên từ phía sau mà từ phía trước. Hết nghe rồi lại nhìn! Ba nhìn tấm lưng dài và rộng của chàng trai trẻ, rưng rưng nhớ cái lưng nhỏ xíu ngày tiểu học…
Rồi ba nhìn đường phố Sài Gòn lóa nắng, ngập khói bụi, ken đặc xe cộ, nửa ngao ngán, nửa thắc thỏm, tưởng tượng những sáng, những chiều, những tuần... con từ nhà đến chỗ làm rồi từ chỗ làm về nhà trên chiếc Dream đã rệu rã.
Ba nói: "Ráng làm có tiền đổi xe mới để đi! Chiếc Dream này tệ lắm rồi!". Con quay lại, cười bảo: "Còn chạy tốt mà ba! Con ráng o bế nó, để dành chở cháu nội ba đi học nữa!". Ba cười cười, mắng con: "Thằng cha mày!...".
Xem thêm: Đừng về quê tìm bố - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm