Người tu về đời khi phạm giới phải xuất chúng

Đi tu không ai muốn xin trở thành người tu về đời. Tuy nhiên, có người đi tu vì trong 1 chút vô minh mê hoặc khiến phạm giới. Vì thế người này dù không muốn ra đời nhưng phải xin ra. Tuy nhiên có những người thầy thương đệ tử mà giúp họ quay đầu.

Hoài Lương
10:24 16/06/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Người tu xin xuất chúng về đời!

Chú cứ định như vậy mà bỏ đi à?

- Thưa Thầy! Con đã không còn mặt mũi nào nhìn Phật, nhìn Tổ, nhìn Thầy và các huynh đệ nữa, Thầy cho phép con được xuất chúng về đời, con thấy mình không còn xứng đáng ở chùa, ở nơi cửa già lam thanh tịnh  nữa Thầy ạ

Chú tính đi đâu?

Con cũng không biết mình sẽ đi đâu về đâu, nhưng thế giới bên ngoài bao la rộng lớn, con nhất định sẽ có chốn dung thân. Con quỳ xuống đây xin Thầy tha tội cho con, chỉ vì phút yếu lòng, chỉ vì không làm chủ được bản thân, để cho dục vọng lôi kéo mà con đã đánh mất chính mình, phá hỏng công phu bao nhiêu năm tu tập, ô uế cửa Phật, làm cho Thầy và chùa cùng các huynh đệ bị lây thêm tiếng xấu, lòng con hổ thẹn vô cùng, con tủi nhục lắm

Người tu về đời nếu phạm giới
Người tu về đời nếu phạm giới

Thầy ơi! Con dập đầu lạy Thầy, con xin Thầy tha lỗi cho con, con dập đầu cúi xin Thầy tha tội cho con.

- Chú đã biết lỗi của mình chưa?

- Con đã biết lỗi của mình rồi Thầy ạ.

- Vậy chú đi đi, bước qua cánh cổng Tam quan kia xem như Chú từ nay không còn là đệ tử của tôi nữa, không còn có quan hệ gì tới chùa này nữa, những việc Chú làm, bước qua cánh cổng kia cũng sẽ theo Chú đi về với thế gian phàm tục, tình nghĩa Thầy trò đến đây xem như chấm dứt. Thôi! Chú đi đi kẻo trễ, trời cũng đã tối rồi, kẻo lại “ lạc đường, lạc lối” không biết chỗ tới tiếp theo sẽ đậu bến ở đâu.

Sư chú ngước mắt nhìn lên Sư Phụ của mình mà lòng đầy tủi hổ , hai hàng nước mắt tuôn trào cứ chảy mãi không thôi. Chú khóc, khóc nhiều lắm. Cũng phải thôi, chỉ vì trót dại mà chú làm cái chuyện phá giới, huỷ hoại đi cả một quãng thời gian tu tập suốt bao nhiêu năm của mình.

Ngày xưa Sư Phụ yêu thương Chú biết bao, nay Chú ra đi Chú sao đành lòng quên được ân tình của Sư Phụ cơ chứ. Chú thấy lòng mình uất nghẹn mà không nói thành lời, Chú dập đầu bái tạ Thầy của mình lần cuối rồi lững thững bước đi. Chú bước từng bước chân lê thê mỏi mệt lòng đầy trĩu nặng, Chú quay lại nhìn Sư Phụ, rồi Chú lại quay sang nhìn cảnh vật xung quanh. Ôi sao mà thân thương gần gũi quá, cảnh vẫn thế, mà người sắp xa. Bao nhiêu kí ức về một thời Chú Điệu,những ngày mới về chùa, rồi những ngày lau dọn Tam Bảo, quét dọn sân chùa, tưới nước trồng rau, anh em huynh đệ nô đùa với nhau … tất cả đều như một cuốn phim từ từ tua lại.

Sư Phụ chú vẫn đứng sừng sững hiên ngang ở đó, nhìn theo chú dần dần khuất xa. Chắc lòng Thầy cũng đang quặn thắt nỗi đau, có người Cha nào mà chẳng xót xa thương cho con mình ngây ngô khờ dại. Âu cũng là duyên nghiệp giờ biết trách tội ai!!!

Hạnh phúc khi được sống tại cửa thiền

- Này thí chủ

Chú quay lại nhìn Sư Phụ, nhìn xung quanh , rồi lại ngơ ngác nhìn về phía Sư Phụ của mình. 

- Là tôi đang gọi thí chủ đó

- Là con ạ ?

Phải, tôi nghe nói thí chủ mới rời chùa nay đang đi tìm chốn nương tựa xuất gia có phải không ? Thôi , đừng đi tìm nữa, nếu không chê thì về đây tôi thế phát xuất gia cho, khỏi phải đi đâu nữa cả, bôn ba vất vả kiếm tìm không cẩn thận lại “ lầm đường lạc lối” nữa cũng nên, chú có bằng lòng về đây ở với tôi không ?

Tâm của người thầy đối với đệ tử rất quan trọng
Tâm của người thầy đối với đệ tử rất quan trọng

Chú mừng rơi nước mắt, đôi mắt ướt nhèm nhưng vẫn sáng lên một sự hạnh phúc khó có thể diễn tả thành lời.

- Dạ , Bạch Thầy, con đồng ý ạ.

Chú hét lớn lên,  thế rồi chú chạy một mạch từ ngoài cổng xa, bước qua cánh cổng tam quan chạy đến ôm chầm lấy đôi chân của Sư Phụ, khóc nức nở như một đứa trẻ, chú lau vội những giọt nước mắt của mình, ngước lên hỏi Sư Phụ :- Bạch Thầy, Thầy không giận, không trách cứ con sao?

Người phạm lỗi Ta đã đuổi đi hồi nãy rồi, người hiện tại bây giờ là một con người mới. Từ nay pháp danh của chú là TỊNH NHÂN, Chú ráng tu tập cho xứng đáng với 2 chữ Pháp danh đó nhé.

Dạ, TỊNH NHÂN xin đa tạ Sư Phụ đã ban cho pháp danh, đệ tử xin cảm ơn Sư Phụ, từ nay con sẽ dốc sức gắng tu, sẽ không bao giờ để xảy ra bất cứ thêm một sai lầm nào nữa đâu ạ.

Khi thấy thầy mình nhận lại chú, các huynh đệ đồng tu lên tiếng: Sư Phụ, tại sao Thầy nhận lại cậu ấy, một người đã phá huỷ giới luật, làm ô uế già lam thì không thể xứng đáng được ở đây thêm một giờ nào nữa. Chúng con không đồng ý cho cậu ta được quay lại chùa tu tập đâu ạ.

Tha thứ cho người biết quay đầu

Qua câu chuyện trên, những người học đạo hiểu, được sống trong môi trường tu học là hạnh phúc của những người xuất gia. Nhưng nếu họ lỡ phạm một lỗi lầm nào đó, được người thầy hỗ trợ để sống tiếp trong đạo, đó là phước báu lớn không dễ có được. Chia sẻ về điều này, Đại đức Thích Giác Minh Tôn (Tịnh xá Ngọc Mỹ - TPHCM) cho biết:

Cửa Phật vốn là chốn Từ Bi, luôn đón tiếp những người muốn tới, hà cớ gì các chú lại muốn đuổi một người biết ăn năn sám hối đến để cầu thọ giới xuất gia? Như vậy há chẳng phải lòng từ bi còn kém lắm hay sao? Phật tổ độ người có duyên, vô duyên không độ. Phật môn tiếp người biết quay đầu giác ngộ và biết giác cho kẻ mê mờ . Nếu đến cửa chùa còn không thể dang rộng vòng tay để tiếp đón những người muốn quay về nương tựa, thì các chú thử hỏi ngoài thế gian kia chỗ nào mới là nơi có thể cho họ tựa nương?

Phật môn tiếp người biết quay đầu giác ngộ và biết giác cho kẻ mê mờ
Phật môn tiếp người biết quay đầu giác ngộ và biết giác cho kẻ mê mờ

Nếu đã có hạt giống Phật thì mình phải ươm, nếu đã biết quay đầu giác ngộ thì mình đâu có thể chỉ vì những giả danh tạm bợ mà cô phụ một tấm lòng? Các chú ở chùa tu học đã lâu mà đối với lời Phật dạy không nghĩ sâu không hiểu thấu, có học mà không có hành, chẳng khác gì lấy đá nấu canh thì dù có nấu cả trăm ngàn vạn năm cũng không nhừ được. Nếu có thể tha thứ cho kẻ biết quay đầu, mình không thể mở lòng mình cho họ một cơ hội làm lại được hay sao?

Các chú có dám chắc mình cả đời thanh tịnh không phạm bất cứ một giới nào? Các chú có dám nói cả đời mình không mắc phải sai lầm hay không? Nếu có sai, lúc đó ai sẽ là người tha thứ cho các Chú ? Tha thứ cho người chính là mở tấm lòng rộng lượng cho mình, thế gian này đâu đâu cũng vậy, thấy một lỗi sai thì nói, bao năm đúng thì lại lặng thinh.

Chẳng phải cũng nực cười, cũng điên đảo lắm hay sao! Nếu có thể yêu thương, nếu có thể bao dung thì đừng đóng cửa lòng mình lại. Chúng sinh đã si mê ngây dại chẳng lẽ mình cũng vậy liệu có được hay không!

Hải Thiện - Hoài Lương

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận