Phía khoa Hồi sức nội - chống độc (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cung cấp thông tin: Con trai bệnh nhân được người quen cho 2 lon nước 1 màu xanh, một màu đỏ và để ở nhà, không dặn dò thêm. Nhìn vỏ lon, 2 bệnh nhân nghĩ là bia và Cocacola nên đã bỏ ra uống trong bữa cơm tối.
Tuy nhiên, khi uống bệnh nhân thấy loại nước này không có mùi vị gì nên đã tra cứu trên mạng theo dòng chữ đỏ ghi trên vỏ lon. Lúc này, mới tá hỏa biết đó là nước làm mát động cơ ô tô.
Nhờ phát hiện và được xử lý kịp thời nên 2 bệnh nhân không có triệu chứng gì nghiêm trọng, đã xuất viện sau 3 ngày điều trị.
Vậy nước làm mát động cơ ô tô là nước gì mà người dân có thể nhầm lẫn thành đồ uống được? Nếu uống nhầm thì nguy hiểm cỡ nào?
Nước làm mát động cơ ô tô là gì?
Theo tìm hiểu, nước làm mát ô tô là dung dịch có tác dụng "giải nhiệt" cho động cơ xe hơi. Nó giúp cho "trái tim" của ô tô khỏe mạnh, hoạt động tốt trong mùa hè nắng nóng.
Đây là loại dung dịch quan trọng và bác tài nào cũng phải thường xuyên kiểm tra xe để bổ sung nước làm mát động cơ kịp thời. Nếu bình nước làm mát bị cạn, động cơ ô tô sẽ bị nóng dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao.
Nước làm mát động cơ ô tô có những thành phần gì?
Trong quá trình xe hoạt động sẽ sinh ra một lượng nhiệt lớn do đốt cháy nhiên liệu trong xi lanh. Lượng nhiệt này sẽ biến đổi thành 2 phần. Phần đa là chuyển hóa thành công. Nhưng số còn lại tỏa ra ngoài không khí hoặc những chi tiết tiếp xúc động cơ. Vậy nên, nó dễ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và khả năng vận hành của xe.
Nước làm mát ô tô sinh ra để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, có không ít người thắc mắc, thành phần trong nước làm mát động cơ ô tô có gì, liệu có giống như lã không?
Nước làm mát động cơ ô tô bao gồm nước cất và dung dịch ethylene glycol. Ngoài ra còn một số chất khác với công dụng chống bốc hơi, ngăn chặn quá trình ăn mòn.
Trộn nước lã với nước làm mát động cơ ô tô được không?
Nước lã mà chúng ta sử dụng trong sinh hoạt gồm nhiều hợp chất bao gồm cả cặn và đá vôi. Nếu như dùng nước lã trộn vào dung dịch nước làm mát và sử dụng trong 1 thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của động cơ.
Theo các bác tài có nhiều kinh nghiệm về ô tô, trong trường hợp khẩn cấp có thể sử dụng nước lọc để châm vào bình chứa nước làm mát để xe có thể tiếp tục di chuyển.
Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, tốt nhất bạn hãy nhanh chóng mang xe đến các gara sửa chữa để các kỹ thuật viên có thể xử lý tình hình.
Có mấy loại nước làm mát động cơ ô tô
Hiện nay có nhiều loại nước làm mát động cơ ô tô khác nhau bởi màu sắc. Nguyên nhân chủ yếu là do thành phần hóa học trong từng loại nước làm mát. Do đó chúng ta sẽ phân biệt nước làm mát động cơ ô tô theo 4 màu: xanh lá, đỏ, xanh đậm và hồng.
Mỗi loại đều có chỉ số đóng cặn, nhiệt độ sôi khác nhau. Một lưu ý là nước làm mát động cơ ô tô chứa thành phần hóa học, độc tính cao nên cần tránh tiếp xúc trực tiếp dù là người hay động vật.
Nước làm mát động cơ ô tô màu xanh lá và đỏ là LLC (Long Life Coller). Trong khi xanh đậm với hồng là SLLC (Supper Long Life Coller). Nhiều hãng ô tô sẽ ghi rõ loại nước mát LLC hay SLLC là phù hợp với xe của họ để tài xế tiện thay. Cụ thể từng loại như sau:
Nước làm mát động cơ ô tô màu xanh thì không cần pha trộn mà đổ trực tiếp. Theo nhiều chuyên gia, khoảng 2 năm 1 lần thì cần thay mới loại nước làm mát này một lần.
Nước làm mát động cơ ô tô màu đỏ pha trộn với nước lọc theo tỷ lệ 50:50. Thời gian thay là 5 năm hoặc sau 80.000 km đầu, 40.000 km cho những lần tiếp theo.
Nước làm mát động cơ ô tô màu hồng có độ bền cao hơn 3 màu còn lại, không pha với nước lọc mà đổ trực tiếp vào bình. Thời gian thay kiến nghị là 160.000 km lần đầu và 80.000 km cho những lần kế tiếp.
Uống nhầm nước làm mát động cơ ô tô nguy hiểm cỡ nào?
Sau sự việc một cặp vợ chồng ở Hà Nội uống nhầm nước làm mát động cơ ô tô, rất nhiều độc giả thắc mắc: Uống nhầm thì nguy hiểm cỡ nào?
Về vấn đề này, Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Huyền Trang, Trung tâm Hồi sức tích cực giải đáp trên Vietnamnet: Sự việc trên là một bài học cho nhiều người, trước khi ăn uống bất cứ thứ gì cần đọc kỹ nhãn mác, thành phần và công dụng để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Trong trường hợp này, lon nước có hình dạng và màu sắc nhãn mác khá giống lon Cocacola và bia. Chữ viết trên lon bằng tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt nên dễ khiến người dùng nhầm lẫn đặc biệt là người già, trẻ em.
Về mặt khoa học, oại nước này có thành phần chính là Ethylen glycol, một loại chất lỏng không màu, không mùi, vị ngọt có tác dụng làm mát và chống đông cứng dùng trong các động cơ đốt trong. Khi vào cơ thể, nó sẽ phân tách thành axit glycolic và axit oxalic, gây nhiễm toan, tăng khoảng trống áp lực thẩm thấu máu, gây đau bụng, nôn mửa, nặng có thể suy thận, tổn thương não, tụt huyết áp và tử vong.
Nếu phát hiện uống nhầm loại nước làm mát động cơ ô tô thì phải ngay lập tức nôn ra, rửa dạ dày và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và xử lý kịp thời. Bạn cũng nên mang theo lon nước đã uống để làm căn cứ cho chẩn đoán và xử trí sớm.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho biết, đến nay, viện đã tiếp nhận và xử trí nhiều trường hợp ngộ độc rượu, thuốc diệt chuột, thuốc nam không rõ nguồn gốc, ong đốt, rắn cắn...
“Mỗi người cần thận trọng bảo vệ sức khoẻ của mình, không sử dụng bất cứ thứ gì không chắc chắn về nguồn gốc, bản chất, công dụng của sản phẩm. Các nhà sản xuất cũng cần có những cảnh báo rõ ràng trên sản phẩm, có nhãn phụ bằng tiếng Việt với các sản phẩm nhập khẩu để tránh nhầm lẫn đáng tiếc”, BS Huyền Trang khuyến cáo.
Xem thêm: Bị sứa biển cắn: Nguy hiểm bất ngờ khi mùa hè đến không nên coi thường