Các bậc cha mẹ hãy rút kinh nghiệm từ sai lầm dạy dỗ chí mạng của Tào Tháo khiến con trai cuối đời sống tức tưởi

Có không ít bậc cha mẹ khác từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều từng mắc phải sai lầm này khi dạy con.

Các bậc cha mẹ hãy rút kinh nghiệm từ sai lầm dạy dỗ chí mạng của Tào Tháo khiến con trai cuối đời sống tức tưởi

Có không ít bậc cha mẹ khác từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều từng mắc phải sai lầm này khi dạy con.

Tào Tháo là nhà chính trị, nhà quân sự và còn là một nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Thời kì Tam Quốc, anh hùng hào kiệt nhiều vô kể. Tuy nhiên, bất kể là luận văn hay võ, địa vị hay thành công thì Tào Tháo hoàn toàn có thể được xưng Vương giữa một dàn quần hùng tài năng.

Không chỉ có năng lực cá nhân xuất chúng, mà ngay cả trên phương diện giáo dục gia đình, Tào Tháo cũng được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, cuộc đời vị gian hùng này cũng có một sai lầm dạy con chí mạng, khiến cho gia đình về sau xào xáo không yên.

Sai lầm này không chỉ Tào Tháo mắc phải mà rất nhiều bậc cha mẹ khác từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều từng mắc phải.

Thiên vị con cái - Sai lầm dạy con chí mạng của Tào Tháo

Tào Tháo có nhiều con trai, trong đó Tào Phi và Tào Thực là hai người nổi bật. Thay vì đối xử công bằng, Tào Tháo lại tỏ ra thiên vị con thứ Tào Thực, đánh giá cao tài năng văn chương của Tào Thực và có vẻ xem nhẹ con trưởng Tào Phi. Điều này không chỉ tạo ra sự oán giận mà còn khiến các con ông trở nên ganh đua, cạnh tranh để giành sự chú ý và tình cảm từ cha.

Khi còn sống, Tào Tháo thường dành nhiều lời khen ngợi và biểu dương công khai cho Tào Thực, tạo nên sự chênh lệch trong cách nhìn nhận của các con ông. Điều này khiến Tào Phi - con trưởng và là người sau này nối nghiệp - cảm thấy bất mãn, thiếu tự tin và luôn phải chứng tỏ bản thân bằng mọi giá. Hậu quả là Tào Phi và Tào Thực trở thành đối thủ thay vì anh em cùng một nhà.

Việc Tào Tháo không khéo léo trong cách đối xử đã vô tình tạo ra áp lực cạnh tranh giữa các con, làm giảm đi tình cảm anh em trong gia đình. Tào Phi, sau khi kế vị, đã tìm mọi cách để hạ bệ và trấn áp Tào Thực, khiến quan hệ anh em trở nên thù địch. Ông nhiều lần trách tội, gây khó dễ cho em trai mình

Nổi tiếng nhất về việc Tào Phi làm khó Tào Thực chính là giai thoại "Thất bộ thi". Một lần ở cung điện, Tào Phi lấy cớ Tào Thực mắc lỗi, yêu cầu Tào Thực làm một bài thơ trong bảy bước chân. Nếu không làm được sẽ bị lấy mạng.

Tào Phi mắng em: "Ta với ngươi tuy tình là huynh đệ nhưng nghĩa là quân thần, nếu không kính nể Thái hậu thì ta quyết không tha cho ngươi. Xưa nay ngươi vẫn cậy tài, vậy hôm nay để chuộc lỗi ngươi hãy đứng trước ba bảy bước tiến về phía ta. Hết bảy bước chân, nếu không làm xong bài thơ thì ta sẽ xử không tha. Trong lời thơ, ngươi không được nhắc gì tới hai chữ huynh đệ và nhắc tới chuyện hôm nay. Ngươi có làm được không?".

Tào Thực bèn dùng hình ảnh cành đậu đun hạt đậu để ẩn dụ việc huynh đệ tương tàn vì tranh quyền đoạt vị. Tào Phi cảm động, tha mạng cho Tào Thực, tuy nhiên sau đó vẫn tước vị, giam lỏng em trai, khiến những năm tháng cuối đời của Tào Thực khốn khổ.

Cuộc đời của Tào Thực về sau được miêu tả như sau: "Tội nghiệp Tử Kiến (tên tự của Tào Thực) phải chạy ngược chạy xuôi, lo buồn tiều tụy, không có được một ngày yên tĩnh, nghỉ ngơi, và ông mất trong sự buồn chán đó khi tuổi vừa 40".

Sự mất đoàn kết này là một trong những nguyên nhân khiến gia tộc Tào không thể giữ vững quyền lực sau khi Tào Tháo qua đời.

Câu chuyện của gia đình Tào Tháo chính là một bài học mà cha mẹ ngày nay phải rút kinh nghiệm. Đừng bao giờ thiên vị, dù con có tài năng khác biệt: Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và yếu riêng, vì vậy cần tôn trọng sự khác biệt và yêu thương các con một cách công bằng.

Dù một đứa con có nổi bật hơn trong một lĩnh vực nào đó, hãy tránh tỏ ra quá thiên vị để tránh gây cảm giác bất công cho các con khác. Đồng thời, hãy khuyến khích tình cảm đoàn kết giữa các con.

Thay vì tạo ra sự so sánh và cạnh tranh không cần thiết, hãy giúp các con hiểu giá trị của tình cảm gia đình, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.

Quan trọng không kém, cha mẹ phải biết khen ngợi đúng mực và công bằng khi một đứa con đạt được thành tựu, với đứa con còn lại, hãy động viên con cố gắng. Nếu cần, có thể đưa ra lời khuyên hoặc hướng dẫn thêm để tất cả các con đều cảm thấy được quan tâm và động viên.

Bên cạnh đó, sự áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ có thể đẩy các con vào tình trạng căng thẳng và ganh đua không lành mạnh. Vậy nên, hãy tạo ra một môi trường cởi mở để các con cảm thấy được tự do bộc lộ bản thân mà không sợ bị so sánh hay phán xét.

Xem thêm: Người Do Thái dạy con: Muốn giàu thì đừng kết giao với 3 loại người này