Nữ sinh buôn đồng nát kiếm tiền nuôi sống ước mơ đại học và lời xin lỗi mẹ khiến người xem rơi lệ

Ngày Cúc nhập học cũng là ngày mẹ khăn gói ra Hà Nội thu mua đồng nát để nuôi con ăn học. Vượt qua mọi lời dè bỉu, cứ hết giờ học Cúc lại cùng mẹ "hành nghề". Công việc cực khổ ấy đã nuôi sống ước mơ đại học để sau khi tốt nghiệp Cúc tìm được công việc yêu thích.

Đỗ Thu Nga
12:33 16/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dù đã mấy năm trôi qua nhưng không ít khán giả vẫn xem đi xem lại chương trình "Lời xin lỗi" của kênh VTV9 - Đài truyền hình Việt Nam với câu chuyện giúp đỡ "cô nữ sinh đồng nát" gửi lời xin lỗi đến người mẹ đáng kính của mình một cách đầy bất ngờ và ý nghĩa. Trong một lần lượm đồng nát, người mẹ già đã mở hộp giấy được gói kín trong túi nilon rác và bật khóc khi đọc thư của con gái. 

Trong thư Cúc viết: "Con xin lỗi mẹ thật nhiều, con biết mẹ không nói ra nhưng mẹ đã chịu rất nhiều cực khổ. Nếu sau này con có thể kiếm được nhiều tiền, con chắc chắn sẽ mua lại cho bố mẹ một con trâu như ngày trước. Vì con mà bố mẹ đã phải bán con trâu gia tài của mình”.

nu-sinh-buon-dong-nat-va-loi-xin-loi-me-day-cam-dong-7
Lời xin lỗi của cô nữ sinh Nguyễn Thị Cúc đã khiến người mẹ không cầm được nước mắt

Biết ơn nghề đồng nát

Cuối năm 2018, cô nữ sinh Nguyễn Thị Cúc - người từng khiến cộng đồng rơi lệ khi xuất hiện trong chương trình "Lời xin lỗi" của VTV9 đã tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) và tìm được công việc phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung. Giờ đây Cúc đã có công việc, có thu nhập để lo cho bản thân và hỗ trợ gia đình.

Cúc từng tâm sự, cô sinh ra trong 1 gia đình nghèo có 6 chị em ở Thanh Hóa. Ngày đó, Cúc phải đấu tranh, thậm chí là giả câm, giả điếc trước mọi lời trách móc, mỉa mai để được tiếp tục đến trường. Không chỉ áp lực từ người thân, Cúc còn phải đối diện với sự chỉ trích từ hàng xóm xung quanh.

“Mọi người ở quê cho rằng, bây giờ học đại học cũng không kiếm được việc. Thêm nữa, bạn bè bằng tuổi em đều đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nên nhiều hàng xóm sang nói với bố em rằng, nhà nghèo tốt nhất là nên đi làm chứ học chẳng được gì cả. Đến giờ, mỗi lần về quê mẹ vẫn “được” người ta hỏi han là con Cúc học hành đến đâu rồi, có việc chưa? Mẹ chỉ sợ ra trường không có việc thì người ta lại chê cười nữa…”, Cúc bỏ lửng câu chuyện.

nu-sinh-buon-dong-nat-va-loi-xin-loi-me-day-cam-dong-0

Nói về cái duyên với nghề đồng nát, Cúc kể: "Ngày mới ra đây học, nhà em khó khăn lắm nên mẹ cũng rời quê ra đây để kiếm tiền lo cho em. Ban đầu, mẹ đi làm giúp việc. Nhưng thấy mẹ vất vả quá mà em lại không thể giúp gì được nên hai mẹ con quyết định đi thu mua đồng nát”.

Nhưng nghề này vốn chẳng dễ như Cúc tưởng. Phải mất khá nhiều thời gian để hai mẹ con bám trụ được với nghề này. Những ngày đầu, hai mẹ con đạp xe cả ngày nhưng không mua được gì cả. Thế nên, Cúc lại dẫn mẹ đi nhặt phế liệu ở các khu chợ như Đồng Xa, chợ Nhổn... Dần dần 2 mẹ con mới có khách bán đồ cũ, hàng thừa.

Và cứ thế, ngoài giờ học Cúc lại phụ mẹ đi khắp các con phố, ngôi làng quanh khu vực Nam - Bắc Từ Liêm để thu mua sắt vụn. Mùa đông gió lạnh, hai mẹ con vất vả lắm mới đưa được xe hàng về phòng trọ phân loại. Mùa hè nắng nóng như đổ lửa, hai mẹ con vẫn đạp xe đi khắp các ngõ xóm thu mua phế liệu.

Dù vất vả nhưng Cúc lại học rất giỏi và tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Vào năm thứ 3, Cúc "đồng nát" được chọn là 1 trong 24 sinh viên ưu tú của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tham gia “Trao đổi sinh viên văn hoá giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc” trong vòng 1 năm.

“Khi được chọn, em vui lắm nhưng lại lo cho mẹ ở nhà. Không có em phụ giúp, những chuyến hàng nặng mẹ em mang về bằng cách nào? Nhưng được sang nước ngoài học là niềm ao ước của em, em không muốn mất cơ hội ấy”, Cúc nhớ lại.

Đúng như Cúc lo lắng, đó là quãng thời gian khó khăn của gia đình. Bố em phải bán trâu rồi vay ngân hàng cho con sang Trung Quốc học. Ở quê nhà nhiều người dè bỉu bảo con nhà nghèo mà sang nước ngoài học. Nhưng Cúc chấp nhận hết, Cúc và mẹ đều không hối hận về quyết định đó. 

nu-sinh-buon-dong-nat-va-loi-xin-loi-me-day-cam-dong-8

Lo mẹ ở nhà không tìm được mối hàng, khi sang Trung Quốc, Cúc lên các diễn đàn sinh viên, nhất là diễn đàn sinh viên ĐH Công nghiệp để Marketing giúp mẹ. “Mẹ tớ là đồng nát, các bạn có đồ gì không dùng thì bán cho mẹ tớ nhé”, lời rao của Cúc nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của các bạn sinh viên. Từ đó, ai chuyển phòng, có đồ thừa đều gọi cho mẹ Cúc đến mua.

Với nhiều người, nghề đồng nát lấm lem, bẩn thỉu nhưng với Cúc không phải. Cúc luôn biết ơn cái nghề lấm lem này. Bởi từ lúc ra Hà Nội, nghề đồng nát đã nuôi sống 2 mẹ, nuôi sống ước mơ đại học của Cúc.

Hồi mới đi làm được 2 tháng Cúc kể đã tích cóp tiền mua một chiếc xe đạp điện cũ giá 4 triệu. "Trước đây chưa có xe đạp điện, ngày nào em cũng phải đi xe buýt từ Nguyên Xá (quận Bắc Từ Liêm) đến chỗ làm tại đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) mất gần một tiếng đồng hồ. Từ ngày mua được chiếc xe đạp điện cũ, thời gian đi làm của em rút ngắn chỉ còn 20 phút”, Cúc chia sẻ.

Công việc của Cúc bắt đầu từ 8h sáng đến 22h tối. Vào ngày Chủ nhật, Cúc tranh thủ làm thêm bằng việc nhận làm hướng dẫn viên du lịch cho khách Trung Quốc. Hôm nào không có việc làm thêm thì đi thu mua phế liệu. Không ít lần do chở hàng cồng kềnh mà Cúc bị ngã lăn ra đường, xây xước hết chân tay....

"Mẹ là thần tượng là động lực để em vượt gian khó..."

Cúc cho biết, mẹ đã cao tuổi, đi lại chậm chạp, với giờ có nhiều người đi mua đồng nát nên công việc ngày càng bấp bênh hơn. Nhiều hôm tối muộn, mẹ Cúc mới về khu nhà trọ. “Em không muốn mẹ tiếp tục làm nghề thu mua đồng nát nữa nhưng vì còn đứa em trai đang học Trường Đại học Xây dựng, em thì mới đi làm lương còn thấp. Thế nên mấy mẹ con đều phải cố gắng, chắt chiu để có đủ tiền chi tiêu…”, Cúc rơm rớm nước mắt tâm sự.

nu-sinh-buon-dong-nat-va-loi-xin-loi-me-day-cam-dong-5
Mỗi lần nhắc đến mẹ Cúc đều rưng rưng nước mắt

Cúc cho biết, em trai ngoài giờ đi học thì tranh thủ chạy Grabike để kiếm thêm tiền phụ mẹ và chị. Ở quê, bố Cúc bị bệnh nên chỉ lủi thủi một mình làm các công việc nhẹ. 

Bốn năm Cúc học đại học là 4 năm bố mẹ xa nhau. Cô nữ sinh chỉ mong em trai sớm ra trường, có việc làm để mẹ được về quê chăm bố, nghỉ ngơi tuổi già.

Cứ nhắc đến mẹ là Cúc lại nghẹn ngào. Cô nói, mẹ là thần tượng, là động lực để em vượt lên gian khó. Trên con đường mà mẹ con Cúc đang đi, đã có những giọt nước mắt, mồ hôi thấm đẫm. Hành trình gian nan ấy, có xa xăm ánh mắt âu lo của người cha nơi quê nhà và những bữa cơm đạm bạc, thỉnh thoảng có ít thức ăn mẹ nhường con, con lại nhường mẹ..

“Mẹ tớ là đồng nát, các bạn có đồ gì không dùng thì bán cho mẹ tớ nhé”!

Xem thêm: Nữ sinh nghèo từng đi xin ăn đạt 28 điểm khối C bật khóc khi nhắc về giấc mơ Đại học

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận