Có một người mẹ mang tên bà ngoại - Truyện ngắn xúc động

Mỗi lần nó đu đeo theo ngoại, ôm lấy cái lưng còng của ngoại, hôn hít lên má ngoại rồi cứ thủ thỉ "Mẹ ơi, mẹ à".

Có một người mẹ mang tên bà ngoại - Truyện ngắn xúc động

Mỗi lần nó đu đeo theo ngoại, ôm lấy cái lưng còng của ngoại, hôn hít lên má ngoại rồi cứ thủ thỉ "Mẹ ơi, mẹ à".

Thịnh cầm cái xô nhỏ, chạy tút ra bờ mương. Bỏ lại phía sau tiếng réo gọi ới ời của bà ngoại. Nó kệ, vẫn cắm cúi chạy. Dường như đó là điệp khúc mà mỗi buổi trưa chủ nhật nó đều nghe thấy. 

Lũ trẻ trong xóm cũng thế. Và bà ngoại, ngoài điệp khúc đó, còn mang theo một cây roi bằng tre dài, vừa chạy vừa chửi. Nhưng lũ trẻ nào có nghe. Dường như chúng để ngoài tai những lời của ngoại, chạy ra bờ mương bắt cua, bắt cá, cho thỏa đam mê sau một tuần bị kìm kẹp chân ở trường.

Ngoại nay đã bảy mươi mấy rồi, chân tay yếu xìu. Không chạy lại với tụi nhỏ. Cũng chẳng la lối tụi nó được bao nhiêu. Chỉ cầm cây roi dọa dẫm cho có lệ. Rồi ngoại lại ngồi gốc tre, thở dốc. Bao nhiêu mệt mỏi dồn lên ngực. Tiếng ngực đập thình thịch, át cả tiếng chạy của lũ nhóc.

 Ngoại ngừng lại, lấy tay quệt mồ hôi đầm đìa trên trán. Lấy chiếc quạt mo, quạt cho đỡ nóng. Rồi cứ ngồi vậy để chờ cho mấy đứa "giặc" bắt cá xong, mới theo tụi nó đi về. Ít ra ngoại cũng ngồi ở đó để canh xem thằng Thịnh nó làm những gì. 

Mấy nay mắt ngoại kém, chỉ thấy cái bóng lờ mờ của nó nhảy nhót dưới bờ mương. Cái miệng tía lia của nó đang trêu đùa với đám trẻ trong xóm. La là la thế thôi, nhưng ngoại vẫn muốn cho nó được chơi thỏa thích với đám bạn cùng trang lứa. Mấy nữa ba mẹ nó về đón lên thành phố, ngoại lại bơ vơ một mình, biết khi nào mới được nghe tiếng cười, tiếng nói của nó.

***

Hai tuổi, Thịnh được ba mẹ đưa về ở với bà ngoại, để ba mẹ đi làm ăn xa. Lúc về quê, nó gầy nhưng trắng như cục bột và rất kén ăn. Ngoại ra quầy tạp hóa mua cho nó thùng sữa, mấy thứ đồ ăn lặt vặt, bỉm tã, rồi những thứ quan trọng. Nó rời xa vòng tay ba mẹ, khóc như chưa từng được khóc. 

Cứ đợi tầm 2-3 giờ sáng, nó lại bò dậy, làm một "bài ca". Ngoại lọ mọ, pha cho nó bình sữa, dỗ cho nó ngủ lại. Mất một tháng như thế, ngoại vừa canh nó vừa chăm bẵm cả ngày, người gầy rộc đi như một con khô.

Nhưng nghĩ thương cháu, cha mẹ nào cũng chẳng nỡ rời xa con khi nó đang bập bẹ, tuổi ăn, tuổi lớn, líu lo. Nhưng công việc, cơm áo gạo tiền, không đi không được. Một mình ngoại cáng đáng việc nhà, lo cho cháu. Đến khi nào nó lớn, ngoại trả nó lại cho ba mẹ nó.

Từ khi nó về, ngoại phải sắm thêm một chiếc điện thoại thông minh, để tối nào ba mẹ nó cũng điện thoại về. Lắp thêm đường dây wifi để có kết nối mạng, tự nhiên ngoại tốn thêm một mớ. Ở nhà chả làm ra tiền nhiều, còn thêm tiền nuôi cháu, ngoại gánh hết. Lúc nó về, ba mẹ nó dúi vào tay ngoại mấy triệu bạc, bảo lo cho nó tới hết cuối tháng, bao giờ có lương thì lại gửi tiếp.

 Ngoại thương lũ con, đứa đi làm công nhân, đứa đi phụ hồ, tiền đâu cho nhiều mà đưa. Đợi lúc chúng nó gói ghém quần áo xong, đang chia tay chia chân ngoài sân thì ngoại lẻn bỏ cục tiền vào ba lô, đặng lên thành phố, chúng có cái mà ăn uống. Thằng Thịnh ở với ngoại, dù có tốn kém, lo thứ này thứ kia nhưng ở nông thôn, ngoại cũng xoay xở được cho nó đủ đầy.

Hồi về là lúc Thịnh bập bẹ biết nói. Không biết ai bày hay ở với ba mẹ nó quen, mà nó cứ gọi ngoại là mẹ. Mấy cô, mấy thím trong xóm bảo nó gọi ngoại thôi, nó không chịu. Mỗi lần nó đu đeo theo ngoại, ôm lấy cái lưng còng của ngoại, hôn hít lên má ngoại rồi cứ thủ thỉ "Mẹ ơi, mẹ à". 

Ngoại nghe trong lòng thấy vui, nhưng cũng xa xót. Như tuổi nó, mấy đứa nhà có điều kiện, chúng đều được ở với ba mẹ, sáng đưa đi học, chiều đón về. Buổi tối được quây quần bên mâm cơm gia đình, đủ đầy và ấm cúng. Còn với Thịnh, nó với ngoại lầm lũi trong căn nhà ngói ba gian cũ kỹ. 

Ở quê thường hay bị cúp điện, nên cứ mỗi chiều, lúc còn chạng vạng, là ngoại đã lo nấu đồ ăn cho nó, đút cho nó lúc còn sáng sủa. Tới lúc nó lớn hơn một chút, ngoại để nó tự xúc, tự ăn. Hai bà cháu đều canh lúc trời sáng để ăn cơm. 

Tới tối, nhỡ cúp điện, lũ muỗi ngoài đồng sẽ bay vù vù vào nhà, cắn hai bà cháu đến nát tay. Giờ xâm xẩm, hai bà cháu chui vô mùng, ngồi trong đó chơi. Ngoại sẽ kể cho Thịnh nghe về những câu chuyện cổ tích, về những ngày người dân ở đây vào chốn này mưu sinh, thành dân, lập ấp. Hay kể về những quãng đường gian nan mà ngoại đã từng trải qua, để cho nó hiểu, suốt tuổi thanh xuân, ngoại đã khổ cực, vất vả như thế nào.

Câu chuyện thường đứt đoạn nửa chừng, vì thằng Thịnh đã ngáy o o, ngoại nhẹ nhàng gỡ tay ra, đặt nó xuống gối. Thằng bé nằm ngủ ngon lành. Ngoại rón rén ra sau nhà rửa chén, thu dọn lại đồ đạc trong nhà. 

Buổi sáng bày ra đan giỏ, giờ đó còn ngổn ngang bao việc. Nhờ mối đan quen thuộc, tay ngoại lại khéo, nên tháng nào cũng có thu nhập, để ngoại đủ tiền mua sữa cho Thịnh. Ba mẹ nó ở thành phố, có khi gửi được nhưng có khi cũng không, công việc bấp bênh. 

Nghe nói về đón Thịnh lên đoàn tụ mà rồi cứ xa lắc xa lơ. Nhưng thôi kệ, ở với nhau rồi, bà cháu quen hơi, ngoại cũng không muốn Thịnh rời đi nữa. Nghĩ đến cảnh một ngày nào đó, nó rời xa mình, tự nhiên ngoại rớt nước mắt.

***

- Á, đau quá, cua kẹp rồi tụi bây ơi!

Ngoại nghe tiếng thằng cháu la oai oái. Bỏ dở dòng suy nghĩ, ngoại chạy vội vàng ra phía bờ mương. Thằng Thịnh đang lắc tay lia lịa, con cua gan lì, kẹp lấy cái ngón tay của nó. Thấy chừng nó sắp khóc. Ngoại kêu:

- Con ngồi xuống, thả tay lại xuống nước đi, lắc lắc nhẹ là nó tự bỏ ra à.

Thằng nhỏ mếu máo làm theo. Một chốc đưa cái tay lên, nó thấy ngón cái tứa máu. Ngoại vội vàng chạy đến, ngắt một nắm lá cỏ hôi, bỏ vào miệng nhai, rồi nhả ra, đắp ngay vết thương cho Thịnh. Vừa đắp, ngoại vừa xuýt xoa, mắng se sẽ:

- Thấy chưa, ngoại đã nói rồi. Ban trưa không ngủ, chạy đi mà bắt cua, bắt cá. Được nhiêu con mà cái tay bấy nhầy vậy nè. Rồi ngày mai đi học cầm viết kiểu gì. Không chừng bảo cua cắp, cô giáo còn la cho nữa.

Thịnh gạt nước mắt, mếu máo:

- Ngoại đừng có la con nữa mà. Mai đi học, ngoại lấy băng keo, dán lại cho con, chắc cô giáo không thấy đâu.

Nhìn đứa cháu tội nghiệp đang khóc vì đau, ngoại cũng xót trong lòng. Hai bà cháu dắt díu nhau lên bờ. Lũ trẻ trong xóm thấy Thịnh bị cua cắp nên cũng sợ, chúng gom mấy chiến lợi phẩm vào cái xô nhỏ, vội vàng rửa ráy chân tay chạy về. Chỉ đợi một chốc nữa thôi, trong nhà biết chuyện, kiểu gì chả có đứa đỏ mông.

***

- Ở thành phố dạo này khó làm ăn lắm má ơi, hay tụi con về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Chống chọi miết trên này, cực lắm má - Tiếng mẹ Thịnh rầu rĩ trong điện thoại.

Bà ngoại nghe xong chẳng thấy buồn, chỉ thấy ngoại cười tủm tỉm:

- Ờ về đi, còn mấy sào đất ba tụi bây để lại, về cày ra trồng cây ăn trái hay trồng rau củ. Mang đi nhập cho mối, còn kiếm được ối tiền. Trụ lại trên đó làm gì, lay lắt khổ cực. Biết vậy sao không xác định về sớm đi, bây giờ thằng Thịnh đã 7 tuổi rồi. Nó lớn phổng phao, cũng cần cha, cần mẹ chứ.

Thịnh đứng ở mé cửa, ngấp nghé. Nghe xong câu chuyện, nó nhảy chân sáo tưng tưng. Lại chạy tót sang bên nhà hàng xóm, khoe với mấy đứa bạn. Chắc mấy hôm nữa thôi, ba mẹ nó thu dọn về quê ở với nó. Vậy là nó chẳng phải rời xa bà ngoại nữa. Lại được gần với ba mẹ. Quá là thích thú.

Ngoại thấy bước chân nó lí lắc. Cái mông ưỡn a, ưỡn ẹo. Hình như nó đang vui lắm…

(Theo Phụ nữ Việt Nam)

Xem thêm: Chỗ đứng - Truyện ngắn xúc động