Bố thí ba la mật là gì?
Bố thí là cho đi. Bố thí là cho đi tất cả. Ba la mật nghĩa là hoan hỷ, háo hức để qua bờ bên kia, bờ của những giác ngộ luôn hướng về chúng sinh mà không cầu thành quả.
Bố thí ba la mật hay bố thí không trụ tướng trong tiếng Phạn là Dana paramita. Nó bao gồm 3 phương diện được gọi là Tam Luân Không Tịch. Tức là không thấy người cho, vật cho và người nhận. Đây là 3 yêu cầu để người thực hành bố thí ba la mật không vướng dính vào cái tôi của mình.
Tam Luân Không Tịch tạm hiểu là: Trước tiên không được quá đề cao hành động của mình, cho rằng mình đã có lòng tốt với ai đó. Không được xem rằng ai đó đã nợ ơn ta và mong họ chịu ơn, đền ơn. Không nên đánh giá thứ mang đi trao tặng cho rằng nó có giá trị hay không. Thứ gì mình có thể cho đi hãy cho đi, khi trao đi rồi thì không nghĩ về nó nữa.
Tóm lại, bố thí ba la mật là một môn tu hành bằng phương thức bố thí, có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình và người từ bờ mê lầm của chúng sinh sang bờ giác ngộ của chư Phật.
Dù 2 nguồn kinh điển Pali và Đại Thừa có quan điểm khác nhau về bố thí ba la mật, thì điểm trọng yếu vẫn là: Khi làm 1 việc nghĩa, việc thiện chúng ta nên hiểu rõ là chúng ta làm cho chính mình để hoàn thiện đạo Bồ tát, từ đó hướng đến quả vị giác - giải thoát. Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ mình. Hiểu được điều này thì khi cho đi điều gì đó tâm chúng ta vẫn thanh thản, nhẹ nhàng.
Câu chuyện Phật giáo về bố thí ba la mật
Ngày xưa, ngài Xá-lợi-phất khi nghe đức Phật giảng về hạnh bố thí Ba-la-mật liền phát nguyện thực hành ngay Bồ-tát đạo.
Trong mười đệ tử lớn của đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất là người trí tuệ bậc nhất, nên được Tăng chúng gọi là Tướng Quân Chánh Pháp. Muốn thực hành bố thí Ba-la-mật theo lời Phật dạy, ngày hôm đó, trên đường du hóa, Ngài khởi nghĩ, hôm nay mình sẽ thực hành bố thí vô điều kiện.
Biết được tâm niệm của ngài Xá-lợi-phất, một Thiên nhân Đại Phạm Thiên liền biến hóa làm một người phàm ngồi khóc bên vệ đường. Ngài Xá -lợi-phất đi ngang qua thấy vậy liền hỏi:
- Vì sao ông ngồi đây khóc lóc thế này? Chắc là có duyên sự gì không giải quyết được, ông nói ra tôi có thể giúp được điều gì chăng?
Người ấy nói:
- Chẳng giấu gì Ngài, những điều tôi đang cần khó ai có thể giúp được.
Nghe vậy, ngài Xá-lợi-phất nói:
- Không sao, bất cứ điều gì tôi cũng có thể giúp ông được.
Người ấy mừng rỡ bạch rằng:
- Thưa Ngài, mẹ tôi đang bệnh nặng, thầy thuốc nói phải có con mắt của người tu hành hòa với thuốc mới chữa khỏi bệnh.
Chẳng cần suy nghĩ, ngài Xá-lợi-phất liền móc con mắt trái của mình đưa cho người ấy.
Người ấy nói:
- Không được rồi thầy ơi, thầy thuốc bảo phải dùng con mắt bên phải mới chữa được bệnh này.
Nghe vậy, ngài Xá-lợi-Phất hơi chựng lại một chút, rồi mạnh tay móc tiếp con mắt bên phải đưa cho người đó.
Người ấy cầm hai con mắt ném xuống đất rồi dùng chân chà nát.
Ngài Xá-lợi-phất nghe biết người ấy làm như thế không dằn được tự chủ liền thoái thất bồ đề tâm. Từ đó, ngài Xá-lợi-phất thấy thực hành bố thí Ba-la-mật khó quá nên Ngài không phát tâm thực hành Bồ-tát đạo nữa.
Đức Phật nhờ phát tâm hành Bồ-tát đạo từ vô số kiếp, Ngài đã làm được những việc khó làm, nhẫn được những điều khó nhẫn, giúp vô số chúng sinh được an lạc, giác ngộ, giải thoát, tùy theo tâm nguyện chúng sanh mà bố thí, vì vậy Ngài mới thành Phật quả.
Nhận đúng về bố thí ba la mật
Cho đi mà không cần nhận lại, đó là niềm tin được xây dựng trong bố thí ba la mật. Điều quan trọng cần nhớ là trong bố thí ba la mật thì không có: Cho người không muốn nhận, cho những thứ không phù hợp hoặc không cần thiết với người nhận vào thời điểm đó. Ví dụ mình cho nhưng đối phương không nhận thì việc cho - nhận này không được ghi nhận. Quan trọng là người nhận đang rất cần những gì mình muốn cho, nếu không họ sẽ không đón nhận.
Việc cho và nhận phải cùng phát sinh, không thể từ một phía, cho và nhận, nhận và cho là một. Cho đi và tiếp nhận với sự hiểu biết này gọi là sự hoàn hảo của việc bố thí.
Trong Phật giáo, cho người khác cũng là cho chính mình. Vì thế, để không có điều kiện kèm theo trong thực hành cho - nhận, chúng ta phải nhận ra rằng, không có gì là thực sự riêng biệt, vạn vật tồn tại là nhờ tương quan lẫn nhau.
Giúp được ai cũng là niềm vui, ai đó cảm ơn hay nói lời cảm ơn cũng không còn quan trọng. Chúng ta không bị vướng kẹt vào chủ nghĩa thành quả, như vậy bố thí ba la mật mới trọn vẹn ý nghĩa.
Lợi lạc khi thực hành bố thí ba la mật là gì?
Sống ở đời, nếu chúng ta chỉ biết giữ khư khư lợi ích cho mình không biết giúp đỡ, không biết làm phước bố thí cho ai thì kiếp sau sẽ chịu cảnh nghèo khổ. Vì nghèo khổ nên ta có những ý tưởng trộm cắp, lừa gạt. Nếu đi trộm cắp hay cướp giật thì dễ phạm tội giết người. Vì nghèo khổ nên ta khó có thể thỏa mãn dục lạc, dục lạc không thỏa mãn sẽ dễ phạm vào tà hạnh dâm dục.
Vì nghèo khổ nên ta phải chịu làm những việc hạ tiện, hạ cấp. Vì hạ tiện, hạ cấp nên ta luôn luôn sợ chủ và ta sẽ dễ phạm phải tội nói dối, nịnh bợ,... Như vậy, vì nghèo khổ, ta sẽ dễ phạm vào mười điều ác của thân, miệng, ý.
Ngược lại, nếu kiên trì thực hành bố thí, ta sẽ tái sinh trong cảnh giàu sang, tiền của đầy đủ, nhờ đó sẽ dễ giữ gìn giới luật.
- Bố thí làm nền tảng cho thiền định Người tu Thiền định, ban đầu luôn luôn gặp phải năm chướng ngại (ngũ cái) tham lam, giận tức, hôn trầm, trạo cử và nghi hối. Nếu không diệt trừ được năm chướng ngại này thì không thể tiến xa trong Thiền định.
Thực hành Bố thí trong sạch tức là đang diệt trừ chướng ngại trong cuộc sống. Chúng ta sẽ bớt đi tính tham lam, có tính nhẫn nhục, tiêu trừ được giận tức.
- Khi bố thí có thể bố thí rộng rãi cho tất cả mọi loài.
- Khi bố thí, khởi tâm trong sạch, tâm kính trọng người nhận, chú ý đến hành động của mình không dám suy nghĩ bậy bạ, nên luôn luôn tỉnh thức không chạy theo vọng tưởng, do đó diệt trừ trạo cử. Trạo cử là để chỉ trạng thái tâm và thân như khỉ vượn chuyền cành, không bao giờ chịu ở yên, luôn lay động và/hoặc suy nghĩ lung tung.
- Khi thực hành bố thí, sẽ gặt được phước đức quả báo vô lượng, và từ đó lại càng tin nơi sự bố thí. Nhờ lòng tin vững chắc này phá trừ nghi hối.
Xem thêm: Đức Phật và lời giảng về người đàn ông lý tưởng mà phụ nữ nào cũng ao ước có được